Mua sắm trong ngày 11/11 mất sức hút
Ngày độc thân (11/11) vốn là ngày lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc, được khởi xướng từ năm 2009 bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Trải qua hơn một thập kỷ, sự kiện này không chỉ lan rộng từ Taobao, Tmall sang các nền tảng khác như JD.com, Pinduoduo mà còn vươn ra các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, năm nay, người tiêu dùng và nhà bán lẻ đều cảm thấy không còn hào hứng như trước, phản ánh những thách thức của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại, theo AP đưa tin.
Trước đây, ngày độc thân được xem là thước đo cho sức mua và sự tự tin tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Nhưng hiện nay, với sự suy giảm kinh tế do khủng hoảng bất động sản và áp lực giảm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giảm hẳn việc mua sắm các mặt hàng xa xỉ hoặc giá trị lớn.
Nhiều người dân chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, thay vì những khoản chi tiêu lớn. Cô Wang Haihua, chủ một phòng tập gym tại Bắc Kinh, cho biết: "Tôi chỉ chi vài trăm nhân dân tệ cho nhu yếu phẩm hàng ngày. Giá cả không hẳn rẻ hơn, và những chiêu trò khuyến mãi khiến người mua không còn tin tưởng."
Bên cạnh đó, các chương trình giảm giá thường xuyên của các nền tảng thương mại điện tử, kéo dài cả tháng, đã khiến ngày độc thân mất đi sự hấp dẫn. Theo Shaun Rein, giám đốc của China Market Research Group, "Với nền kinh tế yếu kém từ tháng 10/2022, hầu hết mọi thứ đều được giảm giá quanh năm, và ngày độc thân không còn mang lại ưu đãi hấp dẫn như trước."
Một vấn đề khác khiến người tiêu dùng mất niềm tin là chiến lược tăng giá trước khi giảm giá trong Ngày Độc thân. Anh Zhang Jiewei, chủ tiệm cắt tóc ở thành phố Tây An, từng là người tiêu dùng tích cực trong sự kiện này, nhưng giờ đây cũng tỏ ra nghi ngờ.
Anh chia sẻ: "Tôi đã ngừng mua sắm sau đại dịch vì thu nhập giảm. Giá sản phẩm thường được đẩy lên cao rồi giảm giá, tạo cảm giác đang được ưu đãi, nhưng thực tế không phải vậy."
Hành vi tiêu dùng thay đổi, cộng với tình hình kinh tế suy yếu, đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức mua trong sự kiện này. Nhiều người tiêu dùng hiện nay ưu tiên các sản phẩm có giá trị sử dụng lâu dài, như đồ thể thao và chăm sóc sức khỏe, hơn là các sản phẩm xa xỉ.
Theo Rein, các sản phẩm thể thao như đồ tập của Lululemon vẫn duy trì doanh số khá tốt, khi người tiêu dùng chuyển từ các nhãn hàng cao cấp như Gucci sang những lựa chọn thực tế hơn.
Không chỉ người tiêu dùng, các nhà bán lẻ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí quảng cáo cao và quy định khắt khe từ các nền tảng thương mại điện tử khiến họ gặp khó khăn trong việc tham gia sự kiện này.
Ông Zhao Gao, chủ một xưởng may tại tỉnh Chiết Giang, cho biết: "Sau khi trừ chi phí quảng cáo, chúng tôi chỉ hòa vốn. Các nền tảng đặt ra quá nhiều quy định và khách hàng đã trở nên nghi ngờ. Với tư cách là người bán, tôi không còn muốn tham gia vào các chương trình khuyến mãi trong ngày độc thân."
Những doanh nghiệp vẫn tham gia sự kiện, như ông Du Baonian ở công ty chế biến thịt cừu ở Nội Mông, cũng đối mặt với doanh số suy giảm và áp lực từ chi phí quảng cáo. Dù cố gắng duy trì vị thế bán hàng, ông cho biết việc tăng chi phí quảng cáo không đem lại hiệu quả tương xứng với doanh số. Trong bối cảnh tiêu dùng suy giảm, các nhà bán lẻ phải tìm cách duy trì lợi nhuận trong khi vẫn giữ chân khách hàng.
Trước khó khăn từ thị trường nội địa, các nền tảng thương mại điện tử lớn như Alibaba và JD.com đã chuyển hướng tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ thị trường quốc tế. Alibaba tung ra các chiến dịch miễn phí vận chuyển toàn cầu, đồng thời tạo điều kiện cho người bán mở rộng kinh doanh quốc tế.
Theo báo cáo từ Alizila - trang tin nội bộ của Alibaba, một số thị trường như Singapore và Hong Kong ghi nhận số lượng khách hàng mới tăng gấp đôi. Chiến lược mở rộng ra nước ngoài này đang giúp Alibaba tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn, bù đắp cho tình trạng mua sắm ảm đạm trong nước.
Từ lâu, ngày độc thân đã trở thành biểu tượng của sự bùng nổ tiêu dùng tại Trung Quốc, nhưng trong bối cảnh hiện tại, sức hút của nó đang dần phai nhạt. Những số liệu tăng trưởng thấp cùng với lòng tin tiêu dùng suy giảm là thách thức lớn cho các nền tảng thương mại điện tử.
Theo một số ước tính, giá trị tổng hàng hóa bán ra trong năm nay chỉ tăng nhẹ, từ 2% đến khoảng 15%, khác xa so với tốc độ tăng trưởng hai con số trước đây.
Mặc dù có những động thái từ chính phủ Trung Quốc nhằm kích thích kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có gói hỗ trợ tài chính quy mô lớn, khó lòng khôi phục được đà tiêu dùng trước đại dịch.
Các nhà bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử sẽ cần cân nhắc lại chiến lược của mình để thích ứng với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng, trong khi tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng ra các thị trường quốc tế.