Mua bán hóa đơn thuế bất hợp pháp: Khó dẹp vì còn điểm hở
Mua hóa đơn bao nhiêu cũng có
Dự tính số thuế phải đóng vào ngân sách nhà nước trong quý IV/2014 còn thiếu, N.V.T là nhân viên kế toán một công ty kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng tại quận 9 (TP.HCM) tìm cách mua hóa đơn để tăng chi phí đầu vào nhằm giảm phần thuế phải đóng. Từ thực tế của mình, T cho rằng, tìm chỗ bán hóa đơn tại TP.HCM không hề khó, người mua dễ dàng tìm kiếm trên Facebook, Zalo, Google… những trang này đều có rất nhiều thông tin liên quan đến hóa đơn mà doanh nghiệp cần tìm.
Không khó tìm nơi bán hóa đơn, chỉ cần gõ “mua bán hóa đơn” trên Internet sẽ có vô số trang bán hóa đơn hiện ra với tỷ lệ hoa hồng cạnh tranh (ảnh minh họa)
Để chứng minh điều mình nói, T. vào Facebook gõ “mua bán hóa đơn”, ngay lập tức có hàng chục trang chào mời bán hóa đơn hiện ra. Bấm số điện thoại 09190668xx của người đàn ông tên Phát được đăng công khai trên Facebook, Phát nói, chỉ cần gửi thông tin vào địa chỉ ketoanthuehcm68@..., Phát sẽ cho kế toán chụp hóa đơn gửi lại cho khách hàng xem trước, nếu đồng ý sẽ xuất hóa đơn và giao tận tay khách hàng, hóa đơn gì cũng có.
“Nếu hóa đơn thanh toán cho việc ăn uống (tiếp khách) thì bên mình lấy 8 đến 10% giá trị hợp đồng (thể hiện trên tờ hóa đơn); còn hóa đơn thanh toán các loại dịch vụ hay mua hàng hóa khác như vật liệu xây dựng, vận tải, chụp ảnh, quay phim… sẽ tính từ 3 - 6% giá trị hợp đồng mua bán.
Nếu số tiền ghi trên hóa đơn trên 20 triệu đồng, thì tách ra làm 2 tờ hóa đơn để không phải chuyển tiền qua ngân hàng. Bởi theo quy định, thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên phải chuyển qua ngân hàng mới được coi là hợp lệ. Nếu không xuất được hóa đơn, bên tôi sẽ lo, nhưng phí cao hơn hóa đơn bình thường”, Phát nói và khẳng định, hóa đơn có thể xuất trong ngày nếu như khách hàng cần.
Thâm nhập thị trường mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trong vai người đi mua hóa đơn dịch vụ quay phim, chụp ảnh với giá trị ghi trên tờ hóa đơn là 59 triệu đồng, chúng tôi được một doanh nghiệp giới thiệu số điện thoại của Tuấn, ngụ tại khu chung cư Bầu Cát (quận Tân Bình, TP.HCM). Sau khi nói nhu cầu, Tuấn cho biết, với loại hóa đơn này, phải tách ra làm 3 tờ thì việc xuất hóa đơn nhanh hơn và không phải chuyển tiền qua ngân hàng. Tất nhiên, Tuấn yêu cầu chúng tôi phải “chiết khấu” lại với tỷ lệ 6% giá trị, tức là vào khoảng 3,5 triệu đồng.
Trong năm 2016 đã có nhiều vụ mua bán hóa đơn giả với số tiền lên tới hàng tỷ đồng bị phát hiện.
Ngày 6/12/2016, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn với số lượng lớn trên địa bàn Đà Nẵng, với số tiền gần 50 tỷ đồng. Ngày 16/12/2016, cơ quan ANĐT,Công an TP.Hà Nội đã khởi tố 3 bị can gồm: Ngô Thị Thu Huyền, Lê Thị Kim Anh và Nguyễn Thị Thu Hương về tội “mua bán trái phép hóa đơn, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồngNgày 20/12/2016, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã khám xét 3 địa điểm tại quận Bình Thạnh và 1 địa điểm ở quận 12, thu giữ lượng lớn tang vật như: 31 thùng tài liệu gồm: hóa đơn, chứng từ, con dấu; 4 máy in, 5 CPU máy tính, 1 máy tính xách tay và 1 màn hình vi tính. Điều tra ban đầu xác định, tổng doanh số hóa đơn giá trị gia tăng mà đường dây này xuất bán trái phép khoảng 500 tỷ đồng, gây thất thoát số tiền rất lớn cho Nhà nước.
Vị “doanh nhân” này tiết lộ, hóa đơn muốn mua bao nhiêu cũng có, từ hóa đơn ăn uống, tiếp khách, thanh toán nhà hàng, khách sạn; hóa đơn mua bán vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, quảng cáo, tổ chức sự kiện… tới cả hóa đơn xăng dầu, vận chuyển cũng có thể xuất được. Tuấn khẳng định còn “bao” luôn cả việc kiểm tra hóa đơn để xác minh là “hàng thật” 100%.
Hẹn gặp Tuấn để nói rõ về nhu cầu và ý định đặt mua hóa đơn lâu dài, người đàn ông này hẹn chúng tôi tại quán cà phê trên đường Nguyễn Hồng Đào (quận Tân Bình). Tại đây, Tuấn cho biết, để có những loại hóa đơn này, anh ta phải móc nối với các doanh nghiệp, nhà hàng thừa hóa đơn có nhu cầu bán lại.
Và để hợp pháp hóa việc mua bán bất hợp pháp, Tuấn lập ra hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau. Các doanh nghiệp của Tuấn tất nhiên không hề kinh doanh gì cả, mà chỉ là đầu mối thu gom hóa đơn các loại sau đó bán dần.
Khó dẹp bỏ vì quá nhiều điểm hở
“Chợ hóa đơn” phát triển rầm rộ vì nhu cầu ngày càng tăng. Nhu cầu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là có thật.
Thứ nhất, người lao động mua hóa đơn để hợp thức hóa tiền đi lại, ăn nghỉ khi đi công tác, nghiên cứu, học tập. Thứ hai, doanh nghiệp mua hóa đơn để tăng chi phí đầu vào, giảm số thuế phải nộp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng…
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc mua bán hóa đơn không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, mà còn tạo môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí, những tờ hóa đơn bất hợp pháp còn nhằm hợp thức hóa tiền “bôi trơn”, đưa hối lộ và hàng trăm hành vi bất hợp pháp khác.
Cái gì cũng có hai mặt, nhiều doanh nghiệp đã bị cơ quan thuế phạt 1 đến 3 lần (không kể số thuế phải nộp và tiền phạt chậm nộp) do nhân viên mua hóa đơn trôi nổi, nhằm hợp pháp hóa các khoản chi bị cơ quan thuế phát hiện. Không ít doanh nghiệp xây dựng có giá trị công trình lớn bị thua lỗ, thậm chí cụt vốn, vì bị xuất toán những hạng mục sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
Tuy nhiên, khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ và phạt tù cao nhất là 5 năm cho tội danh mua bán hóa đơn theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2009 và Bộ luật Hình sự năm 2015 (đang sửa đổi, Điều 203) lại quá nhẹ so với những thiệt hại cho ngân sách nhà nước và hậu quả mà loại tội phạm này gây nên.
Có thể, do hình phạt quá nhẹ không đủ sức răng đe, nên mức độ thiệt hại từ hoạt động này đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, tội buôn lậu, nếu thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên, Bộ luật Hình sự quy định phạt tù đến 20 năm.