|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một USD cũng như 100.000 USD, đừng nói phạt nặng hay nhẹ

22:00 | 25/10/2018
Chia sẻ
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, trong vụ bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, nếu chủ tiệm vàng không mua thì chẳng có chuyện gì xảy ra.

Đừng nói phạt nặng hay nhẹ

Liên quan đến vụ anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) mang 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực bán và bị phạt hành chính 90 triệu đồng; tiệm vàng Thảo Lực cũng bị phạt tổng số tiền là 295 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương, 19.910 viên đá hột nhân tạo, ông Trần Quốc Hà - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ đã có những chia sẻ với VietNamNet.

Ông Hà cho biết, toàn địa bàn TP Cần Thơ có 257 điểm giao dịch ngân hàng có thu đổi ngoại tệ, 9 bàn thu đổi của doanh nghiệp, khách sạn từ 3 sao trở lên và 50 đại lý chi trả ngoại tệ cho các ngân hàng. Cũng theo ông Hà, tất cả những điểm thu đổi ngoại tệ đều có bảng chỉ dẫn có thu đổi ngoại tệ và phải niêm yết tỷ giá do ngân hàng thông báo.

Nói về việc tại sao người dân thích vào các tiệm vàng bán ngoại tệ hơn so với đến ngân hàng, ông Hà cho biết, đây là thói quen của người dân đã hình thành từ lâu.

“Trước đây, việc đổi ngoại tệ ở tiệm vàng rất đơn giản, không cần làm giấy bán hoặc mua ngoại tệ, nghĩa là đưa lấy ngang. Còn vào ngân hàng phải làm thủ tục đề nghị bán nên hơi lâu.

Tuy nhiên, hiện nay, giao dịch tại các ngân hàng đã tiện lợi, người bán không cần khai nguồn gốc ngoại tệ, việc giao dịch rất nhanh chóng", ông Hà nói và cho biết, vấn đề chênh lệch tỷ giá giữa đổi ngoại tệ ở ngân hàng và bên ngoài không cao, chỉ khoảng 100 đồng/USD.

mot usd cung nhu 100000 usd dung noi phat nang hay nhe
Tiệm vàng Thảo Lực

Về trường hợp anh Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD ở tiệm vàng Thảo Lực bị phạt 90 triệu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ cho rằng đây là trường hợp cá biệt.

“Trước tiên phải xem mục tiêu của nghị định xử phạt hành chính là cái gì. Nghĩa là đừng nói 100 USD hay 1.000 thậm chí 100.000 USD là nặng hay nhẹ, mà mục tiêu là nâng vị thế tiền Việt của chúng ta lên, hướng tới người Việt Nam chỉ sử dụng VNĐ trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu so 100 USD với xử phạt 90 triệu là nặng, nhưng có quy định nếu hoàn cảnh khó khăn có thể được miễn, giảm.

Trong Nghị định thì không thể chi tiết là bán 1 USD bị phạt bao nhiêu tiền, bán 10 USD bị phạt bao nhiêu tiền được. Còn trường hợp này là trường hợp cá biệt. Chính vì vậy không thể nói xử phạt cao hay thấp, ví dụ người ta bán 100.000 USD thì sao”, ông Hà phân tích.

Vẫn theo lời ông Hà thì phải tuyên truyền để làm thế nào người dân không vi phạm. Ông phân tích, tất cả các tiệm vàng đều biết nếu không được cấp phép nhưng vẫn mua bán ngoại tệ là vi phạm.

“Người dân có thể không biết luật nhưng các chủ tiệm vàng là chắc chắn biết. Vì khi thành lập, tiệm vàng là kinh doanh có điều kiện thì cơ quan chức năng xác nhận có đủ khả năng kinh doanh vàng miếng, nữ trang,... và trong đó có câu “không được kinh doanh ngoại tệ". Trừ trường hợp nào được phép thì mới ghi vào cho chủ tiệm vàng biết”, ông Hà nói.

“Nếu ông chủ tiệm vàng từ chối mua 100 USD thì không có chuyện gì xảy ra”, ông Hà dẫn chứng thêm về trường hợp trên.

Nhu cầu là hiện hữu

Trước sự việc này, nhiều người dân cảm thấy lo lắng, đặc biệt là với các gia đình có người thân ở nước ngoài thường gửi kiều hối về. Số tiền đổi ra thường không lớn, chỉ một vài trăm nhưng tiền về đều đặn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cũng thừa nhận nhu cầu của người dân về trao đổi, mua bán và nắm giữ vàng, ngoại tệ là có thật.

Do thuận tiện, nhanh gọn và đôi khi giá cao hơn tỷ giá ở ngân hàng nên người dân thường ra tiệm vàng gần nhà, mà không quan tâm đến việc tiệm vàng đó có được cấp phép hoạt động đổi tiền hay không.

Theo chủ trương chống đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước quy định chỉ đổi được tiền USD ở các điểm giao dịch được cấp phép. Không chỉ đổi tiền, các hoạt động liên quan đến đồng USD đều bị cấm, như hoạt động thanh toán, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ hay quảng cáo bằng ngoại tệ.

Việc xử phạt là chính xác theo quy định pháp lý, nhưng câu chuyện còn có nhiều ý nghĩa khác nhau, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu. Ông Hiếu cho rằng, nên xem xét lại đối tượng xử phạt chính ở đây là tiệm vàng kinh doanh trái phép, còn người dân đổi tiền vì nhu cầu chi tiêu, chứ không phải vì kinh doanh. Thêm nữa, việc người dân bán USD cũng phù hợp với chủ trương chống đô la hóa, và bản thân người dân cũng khó biết nơi nào mua bán ngoại tệ không hợp pháp.

Việc mua bán ngoại tệ tại các điểm trái phép khi bị phát hiện sẽ bị phạt nặng và tạm thu số ngoại tệ thực tệ đã diễn ra trướcđây. Năm 2014 đã có sự kiện chủ tiệm vàng bị khám xét vì bắt quả tang đổi 100USD. Số tiền đổi được thu giữ nhưng không nhắc gì đến chuyện phạt tiền người đổi.

Với các điểm kinh doanh vàng, buôn bán ngoại tệ cũng mang lại nguồn thu không nhỏ, đặc biệt khi mà hoạt động kinh doanh vàng ngày càng khó khăn hơn. Dạo một vòng ở các đô thị lớn, việc mua bán ngoại tệ vẫn diễn ra phổ biến và âm thầm trên thị trường tự do.

Theo ông Minh, cơ quan quản lý hiện nay không đủ nguồn lực để kiểm tra hết các đơn vị. Việc kiểm tra cũng chỉ mới dừng lại ở các hoạt động thanh toán, niêm yết giá, hàng hóa, dịch vụ và quảng cáo bằng ngoại tệ.

Đổi USD ở đâu là được?

Hiện nay, người dân có thể đổi tiền ở các ngân hàng thương mại. Theo quy định, các tổ chức tín dụng phải công khai danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh ngân hàng, người dân cũng có thể tìm đến các điểm giao dịch được cấp phép. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cả nước có 580 điểm thu đổi chính thức.

Còn ở TP.HCM, có hơn 1.000 điểm giao dịch vàng miếng được cấp phép và 70 điểm thu đổi ngoại tệ ở sân bay, nhà hàng, khách sạn 3-5 sao, các điểm du lịch, một số khu vực trung tâm quận 1, 3.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết các điểm thu đổi ngoại tệ đã phủ sóng từ thành thị đến nông thôn, từ trung tâm đến ngoại thành. Mạng lưới này có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Dù vậy, mạng lưới ngân hàng chủ yếu ở nội thành và làm việc giờ hành chính và thủ tục phức tạp hơn khiến người dân thường có xu hướng đến các điểm giao dịch thuận tiện để đổi.

Theo quy định, các thu đổi ngoại tệ hợp pháp đều treo biển bảng và giấy phép. “Nếu không thấy hoặc chưa rõ thì người dân có thể yêu cầu xem giấy phép hoặc hỏi lại để tự bảo vệ mình”, ông Hiếu khuyến cáo.

Xem thêm

Thiện Chí - Việt Dũng