Một loạt nhà máy nghìn tỷ đồng chế biến rau quả xuất khẩu chuẩn bị vận hành
Đầu tư 1.500 tỷ đồng xây Nhà máy chế biến rau quả |
Theo kế hoạch, Trung tâm Chế biến Rau quả Doveco Gia Lai do Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao (Doveco) làm chủ đầu tư sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 12/2018 |
Loạt nhà máy nghìn tỷ
Trung tâm Chế biến rau quả Doveco tại Tây Nguyên do Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao (Doveco) làm chủ đầu tư sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 12 tới đây, tăng năng lực cho xuất khẩu rau quả.
Trung tâm Chế biến Rau quả Gia Lai được Doveco khởi công hồi đầu năm nay, có quy mô lớn tại Cụm Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang, Gia Lai, có diện tích gần 6 ha. Đây là một trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ việc liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu, chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu.
Dự án gồm tổ hợp 3 nhà máy: nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 10.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm và nhà máy chế biến rau quả, rau đồ hộp, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Doveco Gia Lai, Phó tổng giám đốc Doveco xác nhận, hoạt động đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị được triển khai ở mức cao nhất, nhằm mục tiêu đưa toàn bộ dự án hoàn thành, đi vào hoạt động đồng bộ vào tháng 12/2018.
Như vậy, tổng công suất của cả 3 nhà máy Doveco Tây Nguyên lên đến 30.000 tấn rau củ quả/năm với các sản phẩm như: nước ép trái cây cô đặc, rau quả đông lạnh và đóng hộp…
Khi Dự án Doveco Tây Nguyên hoàn thành, sẽ bổ sung đáng kể năng lực sản xuất, chế biến rau củ xuất khẩu, dự kiến, doanh thu xuất khẩu từ 3 nhà máy này có thể đạt 40-50 triệu USD/năm.
Một dự án chế biến sâu ngành rau quả do Công ty cổ phần Lavifood đầu tư tại tỉnh Tây Ninh cũng có kế hoạch đưa vào vận hành ngay trong tháng 11/2018.
Với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trên diện tích 15 ha, Nhà máy Tanifood Tây Ninh sử dụng công nghệ sản xuất của Đức, Italy, Nhật Bản…
Nhà máy Tanifood sẽ bao gồm dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt có công suất 10.000 tấn năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 20.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa 5.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc 6.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước Juice bao gồm đóng lon 144 triệu lon/năm, đóng chai PET 230 triệu chai/năm, đóng chai thủy tinh 72 triệu chai/năm, đóng hộp giấy Tetrapak 144 triệu hộp/năm.
Ngoài nhà máy Tanifood Tây Ninh, một Dự án quy mô lớn khác của Công ty cổ phần Lavifood đầu tư tại phía Bắc nhằm tăng lực cho ngành sản xuất rau quả xuất khẩu cũng đã được khởi động. Theo đó, Công ty Cổ phần Lavifood và Công ty Nông nghiệp và thủy sản ILMI (Hàn Quốc) đang chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến rau quả công suất 15.000 tấn thành phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng tại Khu công nghiệp VSIP Hải Dương.
Trong kế hoạch mở rộng đầu tư, Công ty Cổ phần Lavifood tiết lộ sẽ đầu tư tiếp 3- 4 nhà máy chế biến rau quả ở các vùng như Tây Ninh, Long An… để nâng cao tính chuyên nghiệp trong xuất khẩu và tiếp cận các khách hàng nhập khẩu lớn.
10 tỷ USD không quá xa
Xuất khẩu rau quả không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, tạo động lực để các doanh nghiệp chi đầu tư lớn xây dựng nhà máy chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu.
Năm 2017, xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 40%, trong đó, trái cây tươi như vú sữa, xoài, nhãn, chôm chôm…đã vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, đánh dấu 2017 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng rau quả vượt qua dầu thô và năm thứ 2 “qua mặt” xuất khẩu gạo, mang về giá trị thặng dư khoảng 2 tỷ USD.
Còn 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đã mang về 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017. Với các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng mới đang được các doanh nghiệp triển khai, xuất khẩu rau quả có cơ sở để cán đích 4,1-4,2 tỷ USD vào cuối năm nay.
Một số Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu được hoàn thành đâu tư từ đầu năm 2018: + Tổ hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu' đặt tại huyện Đức Hòa, Long An do Công ty Cổ phần Nafoods Group làm chủ đầu tư, có tổng vốn 410 tỷ đồng, khánh thành tháng 4/2018. Tổ hợp rộng 6,5 ha, với hệ thống nhà xưởng, máy móc theo công nghệ của Châu Âu gồm dây chuyền cô đặc công suất 7.000 tấn/năm và dây chuyền IQF công suất 2 tấn sản phẩm/giờ. + Giai đoạn 1 Dự án nhà máy chế biến, đông lạnh trái cây và rau củ quả tại xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre do Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong làm chủ đầu tư, đưa vào hoạt động trong tháng 8/2018. Nhà máy xây dựng trên diện tích hơn 6 ha, được trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại của nước ngoài, công suất chế biến 6.000 - 10.000 tấn nguyên liệu/tháng, vốn đầu tư 500 tỷ đồng. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường nhận định, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, và một trong những yếu tố đóng góp vào sự gia tăng này là các dự án đầu tư quy mô nghìn tỷ của các doanh nghiệp lớn như Doveco, Lavifood…
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay và những lợi thế khả năng của chúng ta có được, ngành rau quả hoàn toàn có thể sớm cán mốc xuất khẩu đạt 10 tỷ USD.
Sở hữu Nhà máy chế biến hiện đại, có vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn xuất khẩu và nhu cầu của từng thị trường, đơn hàng xuất khẩu sẽ không còn là vấn đề lớn. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng giám đốc Lavifood tiết lộ rằng, Công ty đã nhận đơn đặt hàng sớm từ các Tập đoàn lớn trên thế giới với tổng giá trị 200 triệu USD cho nhà máy Tanifood.
Phân tích về cơ hội của rau quả Việt xuất khẩu, ông Thắng cho rằng, xuất khẩu có thể đạt mốc kỳ tích hơn khi các doanh nghiệp bắt tay đầu tư các nhà máy chế biến quy mô và chuyên nghiệp.
Khi số lượng các nhà máy chế biến rau quả mọc lên ngày càng nhiều vừa đồng nghĩa với cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt, vừa giảm được tình trạng được mùa, mất giá phải chờ vào giải cứu.
Xem thêm |