|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một FPT rất khác sau thoái vốn mảng bán lẻ

08:30 | 27/12/2019
Chia sẻ
Tập trung vào công nghệ để đón lấy xu hướng chuyển đổi số đang là động lực tăng trưởng chính của FPT.

Bước chuyển mình từ năm 2017

Năm 2017, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần FPT (Mã: FPT) quyết định thoái vốn khỏi mảng phân phối (FPT Trading) và bán lẻ (FPT Retail), đây được coi là bước chuyển mình khi biến FPT trở thành một công ty công nghệ thuần túy thay vì là một tập đoàn bán buôn và bán lẻ kĩ thuật số. Cũng chính từ thời điểm này, cơ cấu doanh thu của FPT đã thay đổi đáng kể.

Trong giai đoạn trước đó (2011 - 2017), FPT là công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam nếu xét về doanh thu, tuy nhiên hơn một nửa lại đến từ mảng bán lẻ và phân phối.

Tuy nhiên, sau thời điểm tái cơ cấu năm 2017, cơ cấu doanh thu chứng kiến sự dịch chuyển lớn khi 95% doanh thu đến từ các mảng công nghệ và viễn thông; 5% còn lại đến từ mảng giáo dục.

Trong đó, gia công phần mềm và dịch vụ viễn thông là các mảng đóng góp chính cho tăng trưởng doanh thu của FPT với tốc độ tăng trưởng kép lần lượt 23,6% và 16,4% mỗi năm, cao nhất trong số các mảng kinh doanh của doanh nghiệp này.

Những bước đi mới của FPT sau khi thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ - Ảnh 1.

Nguồn: VNDirect Research.

Mới đây, FPT công bố kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2019 với doanh thu vượt ngưỡng một tỉ USD, đạt 24.533 tỉ đồng, tăng 19,7% so với cùng kì năm trước. Tỉ suất lợi nhuận được cải thiện lên 18,1% (trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 17,4%).

Lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 4.439 tỉ đồng và 3.734 tỉ đồng, tăng lần lượt 24,3% và 23,9% so với cùng kì. Trong đó, mảng công nghệ chiếm tỉ trọng 42,7% lợi nhuận trước thuế với giá trị 1.895 tỉ đồng, tăng trưởng 34,9%.

Chuyển đổi số trở thành động lực tăng trưởng chính 

Chuyển đổi số là quá trình tích hợp công nghệ kĩ thuật số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, để thay đổi về nền tảng công nghệ, văn hóa, vận hành và giá trị mang lại.

Bốn công nghệ bao gồm Điện toán đám mây, Di động, Mạng xã hội và Dữ liệu lớn là nền tảng cho sự chuyển đổi số tại phần lớn các tổ chức trước đây.

Hiện nay, Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Blockchain và Giao diện người dùng tự nhiên (ví dụ: in 3D, thực tế ảo, tương tác thực tế ảo, v.v.) đang thúc đẩy sự phát triển của chuyển đổi số.

Sau khi thoái vốn khỏi mảng bán lẻ để tập trung vào công nghệ, FPT đã bắt đầu cung cấp các giải pháp chuyển đổi số và dịch vụ tư vấn để tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị phần mềm. Ngoài ra, FPT đã ra mắt một loạt các sản phẩm phần mềm để khẳng định khả năng sáng chế sản phẩm và giảm phụ thuộc vào gia công truyền thống.

Ban lãnh đạo của FPT Software cho biết, công ty sẽ đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển các nền tảng AI trong giai đoạn 2019 - 2021 để biến nó thành chức năng cốt lõi của nhiều ứng dụng mới. Theo đó, FPT kì vọng sẽ trở thành một trung tâm AI có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu về AI của các lĩnh vực kinh doanh trên toàn cầu.

Bên cạnh AI, FPT còn phân bổ nguồn lực tài chính vào hoạt động R&D cho các công nghệ cốt lõi khác để cải thiện năng lực công nghệ, tạo ra lợi thế cạnh tranh cũng như nâng cấp các dịch vụ như Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Blockchain, v.v ...

Theo International Data Corporation (IDC), chi tiêu toàn cầu cho các dự án chuyển đổi số tăng trưởng 16,8% trong năm 2019, từ 1.070 tỉ USD lên 1.250 tỉ USD, con số này có thể tăng lên đến 1.970 tỉ USD vào năm 2022, tương đương tốc độ tăng trưởng kép 16,6%.

IDC cho biết 38% tổng chi tiêu công nghệ là dành cho chuyển đổi số và 2/3 tổng số doanh nghiệp đã triển khai các sáng kiến CNTT để hỗ trợ quá trình này. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của mảng chuyển đổi số cao gấp nhiều lần so với các dịch vụ CNTT truyền thống đã cho thấy những cơ hội lớn trong thị trường này.

Những bước đi mới của FPT sau khi thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ - Ảnh 3.

Nguồn: International Data Corporation.

Hiện tại, FPT đang là đối tác cung cấp dịch vụ phần mềm cho nhiều doanh nghiệp tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, công ty đang đẩy mạnh thâm nhập và mở rộng vào các thị trường Mỹ hay EU thông qua chiến lược M&A để mua lại các doanh nghiệp địa phương.

Các thương vụ vổi bật có thể kể đến là thương vụ M&A với RWE IT Slovakia ở châu Âu (2014) và Intellinet Atlanta ở Mỹ (2018).

Trong thỏa thuận gần đây nhất, FPT đã trả 30 triệu USD cho 90% cổ phần của Intellinet, một công ty tư vấn công nghệ tại Mỹ. Với quan hệ hợp tác này, Intellinet sẽ cải thiện các dịch vụ của FPT kèm theo khả năng tư vấn về chiến lược và quản trị giúp FPT trở thành doanh nghiệp có năng lực hoạt động sâu rộng ở nước ngoài, tập trung vào mảng chuyển đổi số.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, đóng góp từ thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng với 10.325 tỉ đồng doanh thu (tăng 28,1%) và 1.747 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 31,6%); đóng góp lần lượt 42% và 39% vào kết quả hợp nhất của công ty.

Tất cả các thị trường nước ngoài đều đạt tăng trưởng cao về doanh thu, đặc biệt doanh thu từ thị trường Mỹ đã vượt mốc 100 triệu USD, đạt mức 2.454 tỉ đồng, tăng trưởng 53,7%.

Những bước đi mới của FPT sau khi thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ - Ảnh 4.

Doanh thu mảng công nghệ của FPT đang tăng nhanh tại thị trường nước ngoài. Nguồn: VNDirect Research.

Mảng viễn thông ổn định với tăng trưởng kép 9,3% trong giai đoạn 2019 - 2023

Trong một báo cáo mới công bố, VNDirect Research ước tính doanh thu mảng viễn thông của FPT sẽ tăng trưởng 14% lên 10.065 tỉ đồng trong năm 2019 và tăng trưởng kép 9,3% trong giai đoạn 2019 - 2023.

Trong mảng này, doanh thu từ kinh doanh dịch vụ viễn thông đóng góp 94,3% (tăng trưởng 14,5%). Trong 11 tháng đầu năm, doanh thu mảng viễn thông đạt 9.411 tỉ đồng, tăng trưởng 16,7% và đóng góp 38,4% tổng doanh thu của công ty, trong đó chủ yếu đến từ dịch vụ viễn thông.

Theo báo cáo của BMI Research, FPT vẫn nhắm đến khách hàng ở khu vực thành thị, tuy nhiên, thị trường Internet băng rộng cố định cho hộ gia đình tại các thành phố lớn hiện đã bước vào giai đoạn ổn định, với dự báo tăng trưởng tự nhiên ở mức dưới 5% trong những năm tới.

Giáo dục: Mảnh ghép mang tính chiến lược dài hạn của FPT

Dù mới đóng góp tỉ trọng thấp trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, mảng kinh doanh này được đánh giá có biên lợi nhuận cao và còn nhiều dư địa tăng trưởng. 

Trong 9 tháng đầu năm 2019, số lượng tuyển sinh mới của FPT ở tất cả các cấp học đạt 2.360 học sinh, sinh viên; tăng 19,8% so với cùng kì. Tính đến tháng 11/2019, tổng số học sinh trong toàn hệ thống giáo dục đạt khoảng 49.500 học sinh, tăng trưởng 35%.

Hiện tại, FPT đang xây dựng Đại học FPT Cần Thơ giai đoạn 2, bao gồm tòa nhà Gama, trường trung học, công viên, ký túc xá,... Công ty cũng đã được phê duyệt mở rộng cơ sở tại thành phố Quy Nhơn trên diện tích lên đến 38ha. 

Ngoài ra, một cơ sở mới của Đại học FPT tại quận 9, TP HCM có khả năng chứa khoảng 10.000 sinh viên dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm học 2019 - 2020. Cơ sở này có một khu phức hợp 11 tầng trên diện tích đất 22.540 m2 .



Đan Nguyên

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.