|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Morgan Stanley: Nợ công Trung Quốc dự kiến xấu đi, nhưng rủi ro từ tài chính ngầm giảm

16:17 | 25/02/2019
Chia sẻ
Vấn đề nợ công của Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, theo ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley. Tuy nhiên, so với năm 2018, Bắc Kinh dự kiến sẽ quản lí tốt hơn rủi ro của người vay từ các kênh không chính thức so với những năm trước.
morgan stanley no cong trung quoc du kien xau di nhung rui ro tu tai chinh ngam giam
Nợ của chính phủ Trung Quốc sẽ xấu đi trong năm 2019, tuy nhiên, các rủi ro từ ngân hàng ngầm sẽ giảm.

Tỉ lệ nợ công/GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 3 - 4 điểm phần trăm, nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley tại Trung Quốc, ông Robin Xing, nói với tờ CNBC vào hôm 22/2.

“Lần này, có một chút khác biệt bởi chính phủ Trung Quốc đang sử dụng đòn bẩy dễ quản lí, hay minh bạch hơn, thay vì cho tài chính ngầm hoạt động trở lại”, ông Xing nói với CNBC, theo đó cho rằng chính phủ Trung Quốc đang tăng hạn ngạch trái phiếu địa phương đặc biệt, vốn chủ yếu được nhà nước hỗ trợ.

Tài chính ngầm là hoạt động được thực hiện bởi các công ty tài chính bên ngoài lĩnh vực ngân hàng chính thức, và do đó, chịu mức độ giám sát thấp hơn nhưng rủi ro cao hơn.

Các ngân hàng quốc doanh thường ưu tiên cho vay đối với những công ty thuộc sở hữu của chính phủ, vốn được coi là đối tượng vay an toàn hơn so với công ty tư nhân. Vì vậy, các công ty tư nhân đã chuyển sang vay vốn tại ngân hàng ngầm, từ đó nâng mức nợ chung của Trung Quốc.

“Mặc dù tỉ lệ nợ/GDP đang tăng, mức nợ hiện nay vẫn dễ quản lí và minh bạch hơn nhiều so với giai đoạn 2013 - 2017, thời điểm tài chính ngầm hoạt động mạnh mẽ”, ông Xing kết luận.

Nới lỏng các qui định cho vay để thúc đẩy kinh tế

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nợ và thắt chặt các qui định để tăng tốc gỡ bỏ đòn bẩy, hay quá trình giảm nợ.

Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đặt ra một rào cản trong nỗ lực giảm bớt mức nợ vì chính phủ Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nền kinh tế đang chững lại của họ do ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan với Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế nói rằng Trung Quốc đã ít nhiều tạm dừng các nỗ lực gỡ bỏ đòn bẩy và thay vào đó, đưa ra các biện pháp nới lỏng hơn để thúc đẩy nền kinh tế.

“Dữ liệu tín dụng tháng 1/2019 chỉ ra lập trường tài chính và tiền tệ dễ dàng hơn của Trung Quốc đã làm tăng các khoản vay đối với nền kinh tế thực”, người đứng đầu Oxford Economics tại châu Á, ông Louis Kuijs, cho biết.

Các ngân hàng đã gia hạn kỉ lục 3.570 tỉ nhân dân tệ (tương đương 530 tỉ USD) trong các khoản vay mới vào tháng 1, phản ảnh áp lực từ các nhà chức trách trong việc tăng cho vay đối với khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, theo ông Kuijs.

Tuy nhiên, ông Kuijs dự báo mức tăng trưởng vừa phải so với năm ngoái trong phần còn lại của năm 2019, khoảng 2 điểm phần trăm.

Tin tốt là chính sách kích thích kinh tế sẽ bắt đầu phát huy, trong quí II năm nay, ông Xing của Morgan Stanley, nói.

“Nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn khá yếu trong quí đầu tiên, tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến những nỗ lực nới lỏng nền kinh tế từ các nhà hoạch định chính sách”, ông Xing nói.

“Đến quí II/2019, chúng tôi cho rằng hoạt động kinh tế sẽ bắt đầu cải thiện, nhờ chính sách nới lỏng dần có hiệu quả”.

Xem thêm

Trần Nam Thi