Môi trường đầu tư hút doanh nghiệp Nhật
“Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam” dựa trên kết quả khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2016.
Chương trình khảo sát này nhằm tìm hiểu thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á, châu Đại Dương, từ đó giúp cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản triển khai hoạt động thuận lợi tại khu vực này.
Được biết, Chương trình bắt đầu thực hiện từ năm 1987 và khảo sát năm nay được thực hiện từ tháng 10 – 11/2016 thông qua phiếu câu hỏi (đây là lần khảo sát thứ 30). JETRO tiến hành khảo sát 10.983 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó nhận được kết quả trả lời hợp lệ từ 4.642 doanh nghiệp (tỷ lệ trả lời hợp lệ: 42,3%).
Tại Việt Nam, có 639 doanh nghiệp trả lời hợp lệ (tại khu vực miền Bắc và miền Trung là 328 doanh nghiệp, tại khu vực miền Nam là 311 doanh nghiệp, tỷ lệ trả lời hợp lệ là 49.7%)…
|
Tại Lễ công bố, đại diện JETRO tập trung vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, và cung cấp những thông tin như kế hoạch sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, nhận định về môi trường đầu tư của Việt Nam…
Kết quả khảo sát cho thấy, thứ nhất, ước tính lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “có lãi” chiếm trên 60% với 62,8% (tăng 4,0% điểm so với năm trước), trong khi doanh nghiệp trả lời “lỗ” là 25,1% (tăng 1,1% điểm so với năm trước). Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì trong ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu (EPE) và doanh nghiệp không gia công xuất khẩu (Non EPE) trả lời “có lãi” lần lượt là khoảng 59% và 62%, nằm dưới mức trung bình so với tổng thể.
Thứ hai, về triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tương lai có hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. Khoảng 88% doanh nghiệp cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh là “tăng doanh thu”. Trong ngành công nghiệp phi chế tạo, khoảng 63% số doanh nghiệp cho rằng lý do chính là “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.
Thứ ba, đối với lợi thế về môi trường đầu tư thì Việt Nam đứng thứ 4 (63,4%) trong số 15 quốc gia được cho là có “tình hình chính trị, xã hội ổn định”. Hơn một nửa số doanh nghiệp đánh giá cao về, “quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng” và “chi phí nhân công rẻ”. Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục xếp cuối trong 15 quốc gia cho rằng “Rào cản ngôn ngữ là không đáng kể” với 9,5%.
Thứ tư, rủi ro về môi trường đầu tư liên quan đến các hạng mục hàng đầu chung của toàn khu vực về “rủi ro trong môi trường đầu tư”, giống như năm trước, thứ hạng của Việt Nam tại các hạng mục đang được giảm xuống, cùng với đó là môi trường đầu tư đang được cải thiện. Tuy nhiên, khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng: “Chi phí nhân công tăng cao” (58,5%), khoảng 50% doanh nghiệp chỉ ra “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng luật pháp không rõ ràng” (48,4%), khoảng 40% doanh nghiệp nhận thấy “ Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện” (44,4%) và “Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp” (41,8%) là vấn đề rủi ro. Ngoài ra, Việt Nam xếp thứ 4 trong tổng số 15 quốc gia có “Ngành công nghiệp phụ trợ còn non kém, chưa phát triển” với 34,9%.
Liên quan đến các khó khăn trong hoạt động kinh doanh, giống như khảo sát của năm trước, có hơn 60% doanh nghiệp đưa ra vấn đề về “lương cho nhân viên sở tại tăng” và “khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại”.
Thứ năm, khả năng cung cấp nguyên liệu, linh kiện trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 34,2%, tăng 2,1% điểm so với năm trước. Tỷ lệ này cao hơn Philippine (31,6%) nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc (68%), Thái Lan (57%), Indonesia (41%), Malaysia (37%). So sánh giữa khu vực miền Bắc và khu vực miền Nam thì ở tỷ lệ ở khu vực miền Nam (35,4%) cao hơn ở miền Bắc (34,3%). Xét cụ thể hơn về tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam sẽ thấy, tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp nội địa là 41,1%, không có sự chênh lệch nhiều so với năm trước. So với các quốc gia khác, tỷ lệ cung ứng từ “doanh nghiệp nước ngoài khác” (không phải doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản) còn cao. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí, Việt Nam cần tăng cường thu mua từ các doanh nghiệp trong nước.
Thứ sáu, tình hình xuất khẩu, so sánh với các quốc gia khác, tỷ lệ xuất khẩu 100% của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao, khoảng 30%. Mặt khác, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản đã giảm từ 62,5% xuống còn 58,4% so với năm trước, tỷ lệ này (khoảng 60%) vẫn là cao khi so sánh với các nước khác.
Thứ bảy, những tác động khi TPP có hiệu lực: Khi được hỏi về những tác động đến hoạt động kinh doanh khi TPP có hiệu lực, Việt Nam có tỷ lệ phần trăm của các doanh nghiệp đã trả lời rằng "có" là cao nhất trong số các nước được khảo sát và khu vực với 29,2%. Cụ thể, 46,2% doanh nghiệp khi được hỏi chỉ ra tác động “Tăng xuất khẩu từ trụ sở chính”. Ngoài ra, Việt Nam cũng được cho là chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các tác động “Tăng phân phối tại thị trường nội địa (Việt Nam)”, “Tăng sản xuất tại trụ sở chính” và “Thay đổi địa điểm cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện hoặc hàng hóa”.
Thứ tám, tình hình áp dụng EPA/FTA: tỷ lệ áp dụng EPA/FTA của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 47,2%, tăng 2,2% điểm so với năm trước.
Thứ chín, về tiền lương thì tỷ lệ tăng lương tối thiểu của Việt Nam (tỷ lệ tăng lương theo kế hoạch năm 2017) trung bình khoảng 8%. Chi phí nhân công (số tiền thực chi trong một năm) lại tương đối thấp so với các quốc gia khác, chi phí nhân công trong ngành công nghiệp chế tạo (công nhân, kỹ sư) chưa bằng một nửa Trung Quốc, và chỉ bằng bằng 2/3 so với Thái Lan.