Mỗi ngày, TKV phải trả hơn 12 tỷ đồng lãi vay
TKV hiện có trên 104.000 tỷ đồng nợ phải trả
Lãi giảm hơn 77%
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, trong nửa đầu năm nay, kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn này sụt giảm mạnh trên hầu hết chỉ tiêu.
Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm, TKV báo lãi trước thuế 453,4 tỷ đồng, chỉ bằng 38,7% so với cùng kỳ năm 2015. Lãi ròng còn lại đạt 197,2 tỷ đồng, chỉ bằng 22,7% cùng kỳ.
Đáng chú ý, mặc dù chi phí tài chính trong kỳ giảm gần 700 tỷ đồng so cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2015 song chi phí lãi vay lại tăng thêm 356 tỷ đồng lên mức 2.188,3 tỷ đồng. Như vậy, bình quân trong nửa đầu năm nay, cứ mỗi ngày, “ông lớn” ngành than phải trả tới 12,1 tỷ đồng tiền lãi vay.
Trên bảng cân đối kế toán, cuối tháng 6, TKV có 142.652 tỷ đồng tổng tài sản, tăng hơn 4.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn ở mức 36.234,7 tỷ đồng, tăng hơn 4.100 tỷ đồng so đầu năm, chủ yếu là do giá trị hàng tồn kho tăng mạnh, tăng hơn 3.300 tỷ đồng lên mức 20.324,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nợ phải trả cũng tăng gần 3.700 tỷ đồng lên 104.013 tỷ đồng. Đáng lo ngại là nợ ngắn hạn đã lên tới 41.056,4 tỷ đồng, vượt qua cả tài sản ngắn hạn.
Bế tắc trong việc thoái vốn khỏi Hải Hà
Theo TKV, trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp, đến hết năm 2015, tập đoàn này đã hoàn thành thoái toàn bộ phần vốn tại 6 trong tổng số 8 đơn vị, gồm Bảo hiểm SHB-Vinacomin, Bảo hiểm Hàng không, Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng SHB, Chứng khoán SHS, Công ty Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Sáu tháng đầu năm nay, TKV tiếp tục thực hiện việc thu hồi vốn góp tại Quỹ đầu tư BIDV-Partner, lũy kế đến hết tháng 6/2016, TKV đã thu hồi được 77% tổng số vốn góp tại Quỹ đầu tư BIDV-Partner, số còn lại sẽ được TKV cho biết, sẽ thu hồi nốt trong năm 2016.
Đối với việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, báo cáo của TKV thừa nhận “rất khó khăn và không thể thực hiện được”, mặc dù TKV đã rất nỗ lực tìm giải pháp thoái vốn trong thời gian qua.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, TKV đã làm việc với SCIC để chuyển phần vốn của TKV đã góp tại Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà về SCIC, tuy nhiên, ngày 13/6, SCIC đã có văn bản cho biết “không xem xét mua lại khoản đầu tư ngoài ngành của TKV tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà”. Hiện nay, TKV đang hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo.
Về công tác thoái vốn trong ngành, TKV phải thoái một phần vốn xuống dưới mức chi phối đối với 6 đơn vị bao gồm: CTCP Du lịch và thương mại, CTCP Thiết bị điện, CTCP Cơ khí Hòn Gai, CTCP Đại lý Hàng Hải, CTCP Vận tải thủy, CTCP Vật tư, song chỉ thực hiện thoái thành công tại 4 đơn vị.
Riêng đối với 2 đơn vị còn lại, CTCP Đại lý Hàng hải qua 2 lần tổ chức đấu giá đều không thành công do không có nhà đầu tư nào đăng ký mua cổ phần; đối với CTCP Vận tải thủy TKV tiếp tục có những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Công ty, và giảm lỗ để thu hút các nhà đầu tư.
Theo Bích Diệp
Dân trí