Môi giới địa ốc phía Nam nghỉ Tết sớm
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại một số khu vực quận, huyện vùng ven TP.HCM vào cuối tuần qua, điều có thể dễ dàng nhận thấy là cảnh nhộn nhịp như năm ngoái không còn. Nếu như vào dịp cận Tết năm ngoái, môi giới địa ốc hoạt động nhộn nhịp, dẫn khách đi xem dự án liên tục và thường xuyên chốt được hợp đồng, thì năm nay, nhiều môi giới đành phải nghỉ Tết sớm.
Anh Tuyên, một nhân viên môi giới tại quận 9 (TP.HCM) cho biết, do nguồn hàng mới không có, còn những sản phẩm đang bán hiện tại thì giá đang neo ở mức khá cao, cơ hội sinh lời để đầu tư không còn nhiều, nên khách hàng cũng ngại “xuống tiền”.
“Năm nay tìm khách khó khăn hơn so với những năm trước. Đặc biệt, vào dịp gần Tết Âm lịch này, để tìm được khách hoặc mời được khách đi xem dự án đã khó khăn rồi, chứ chưa nói gì đến việc chốt hợp đồng. Trong khi đó, tháng nào cũng phải trả cả đống tiền cho marketing online, chạy quảng cáo...”, anh Tuyên nói.
Cũng theo anh Tuyên, bên cạnh những hình thức tìm khách thông thường, thời điểm này, anh cùng các môi giới khác hay đến các quán cafe để chào mời, chỉ mong sao mời được khách đến xem dự án rồi chốt được khách nào thì hay khách đó.
Tương tự, chị Hương, hiện đang làm môi giới tự do tại quận 12 cho biết, chị đang rao bán nhiều sản phẩm tại quận 12 và các vùng lân cận, nhưng trong 1 tháng gần đây, vẫn chưa được giao dịch nào thành công.
Theo chị Hương, thị trường bất động sản quận 12 sau thời gian sôi động, hiện đã trầm lắng. Giá nhà hiện đang ở ngưỡng khá cao, dao động từ 50 - 55 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá nhà tại các con hẻm lớn cách đây gần 1 năm chỉ dao động ở mức 25 - 30 triệu đồng/m2. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến nhu cầu mua để ở hoặc đầu tư của khách hàng.
Nhiều môi giới địa ốc TP.HCM đang trải qua một năm "khô hạn" sản phẩm. Ảnh: Việt Dũng
“Giá nhà đất leo thang cũng là do một số đầu nậu và cò lái thổi giá. Khi cơn sốt đi qua, giá không giảm nhiều, mà thiết lập mặt bằng giá mới nên ngày càng ít người mua. Chưa kể, nhiều nhà đầu tư còn bị chôn vốn vì không ra được hàng, rơi vào cảnh nợ nần...”, chị Hương nói.
Còn tại khu vực huyện Củ Chi, TP.HCM, anh Sáu, một cò đất ở đây cho biết, anh đang nhận bán một lô đất diện tích 150 m2 tại xã Tân Phú Trung với giá 1,2 tỷ đồng, tương đương 8 triệu đồng/m2, nhưng cả tháng nay không có người mua. Một số người đến hỏi giá rồi xong cũng dẫn đi xem nhưng không thấy quay lại nữa.
“Cũng thời điểm này năm ngoái, tháng cuối năm có thể bán được 3 - 4 lô là chuyện thường, nhưng sao năm nay khó quá. Cả tháng nay mới chỉ bán được 1 lô, mà đây lại là khách chỗ quen biết cũ”, anh Sáu nói.
Trong khi đó, bà Trần Thùy Linh, giám đốc một sàn môi giới tại quận Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ, giá đất nền tại TP.HCM đã lên khá cao, nên các nhà đầu tư có xu hướng tìm các khu vực lân cận TP.HCM để “săn” nguồn hàng mới. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư vẫn bị đọng tiền ở trong những dự án chưa ra hàng được, nên việc xoay chuyển dòng tiền khó khăn, ảnh hưởng đến việc tái đầu tư.
“Dịp cận Tết Nguyên đán năm nay là một trong những đợt buôn bán ảm đạm nhất của các môi giới trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là do các dự án đang ngày càng ít đi, nên các công ty môi giới có rất ít hàng để tung ra thị trường. Nhiều nhân viên tại công ty tôi đã xin nghỉ sớm để về quê”, bà Linh nói.
Dự báo về nguồn cung 2019, bà Linh cho rằng, ở các phân khúc như căn hộ, đất nền, nhà phố - biệt thự đều sẽ hạn chế nguồn cung mới ra thị trường trong năm Kỷ Hợi do chủ đầu tư chưa chuẩn bị được quỹ đất, cũng như pháp lý. Những tác động nội tại dự án phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung mới trong thời gian tới.