Mất toàn bộ lợi nhuận sau 6 năm rót vốn, Tundra Vietnam rút hơn 1/3 quĩ khỏi TTCK Việt Nam trong tháng 3
Sau tháng bán tháo, Tundra Vietnam Fund "bay" toàn bộ thành quả từ khi đến Việt Nam
Mới đây, quĩ chuyên "đánh game" nâng hạng Tundra Fund công bố kết quả đầu tư tháng 3 kém khởi sắc. Cụ thể, quĩ Tundra Vietnam Fund ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 25,8% (tính theo USD), cao hơn mức giảm 23,2% của chỉ số tham chiếu FTSE Vietnam TR.
Với kết quả đầu tư trên, Tundra Vietnam Fund ghi nhận tháng thứ 6 có hiệu suất âm liên tiếp kể từ tháng 10/2019. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, quĩ ngoại này ghi nhận hiệu suất âm 31,6%.
Đáng chú ý hơn là quĩ ngoại này đã bay toàn bộ thành quả kể từ khi đặt chân đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Được biết, quĩ ngoại này bắt đầu đầu tư tại Việt Nam vào tháng 5/2014.
Thành quả tốt nhất trong chặng đường đầu tư tại Việt Nam mà quĩ ngoại này đạt được là hiệu suất 39,2% vào năm 2017. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 3/2020, quĩ này có hiệu suất âm 9,2% sau gần 6 năm bước chân vào thị trường. Như vậy, mặc dù được biết đến là chuyên "đánh game" nâng hạng tại các thị trường cận biên, quĩ đầu tư này đã rơi vào tình trạng tay trắng trên TTCK Việt Nam.
Cùng tình cảnh trên, quĩ chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên - Tundra Sustainable Frontier Fund ghi nhận hiệu suất âm 23% trong tháng 3, nâng mức lỗ kể từ đầu năm nay lên 28,1%. Với kết quả này, quĩ ngoại này cũng mất hết những gì có được sau khi rót vốn vào các thị trường cận biên từ tháng 3/2013.
Được biết, Tundra Sustainable Frontier Fund đang có qui mô khoảng 85,3 triệu USD, phân bổ vào một số thị trường như Pakistan (23%), Việt Nam (18%), Sri Lanka (16%), Bangladesh (12%). Một số cổ phiếu Việt Nam nằm trong Top10 mã phân bổ nhiều nhất danh mục của quĩ này như FPT (tỉ trọng 6,9%), LPB (3%). Ngoài ra, quĩ này đang nắm các cổ phiếu khác như MSN, HSG.
Tundra Vietnam Fund giảm hơn 1/3 qui mô sau tháng bán tháo
Nói về kết quả đầu tư đáng buồn trong tháng vừa qua, theo Tundra Vietnam Fund, các ca nhiễm COVID-19 tăng lên nhanh chóng dẫn đến làn sóng bán tháo tại Việt Nam cũng như tại các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu.
Thêm vào đó, việc nắm giữ nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) trong bối cảnh các mã này giảm mạnh hơn thị trường chung đã làm tồi tệ hơn kết quả đầu tư trong tháng 3 của quĩ ngoại này.
Trong đà bán tháo của thị trường, Tundra Vietnam Fund vẫn bán ra các cổ phiếu để giảm qui mô đầu tư tại Việt Nam. Theo dữ liệu tổng hợp của người viết, tính đến cuối tháng 3, tài sản quản lí của quĩ ngoại này tại thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ còn 21,7 triệu USD. Theo đó, qui mô của quĩ đã giảm hơn 34% trong tháng qua, ghi nhận tháng rút quĩ mạnh nhất của Tundra Vietnam Fund kể từ tháng 4/2018.
So với mức đỉnh về qui mô 225,8 triệu USD vào tháng 4/2018, giá trị tài sản quản lí của Tundra Vietnam Fund giảm hơn 90% chỉ sau 2 năm.
Danh mục của Tundra Vietnam còn lại gì?
Với qui mô tài sản quản lí chỉ bằng 1/10 giá trị tại thời điểm chứng khoán Việt Nam ở vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2018, Tundra Vietnam vẫn đưa ra lựa chọn an toàn khi giữ trạng thái tiền mặt tới 6% danh mục tại thời điểm cuối tháng 3.
Tỉ trọng tiền mặt trên cao hơn đáng kể so với các quĩ đầu tư nước ngoài khác trên TTCK Việt Nam như Vietnam Holding, PXP, thậm chí hay cả các quĩ qui mô hàng đầu tư VEIL (Dragon Capital) hay VOF (VinaCapital).
Về danh mục đầu tư cụ thể, nhóm bất động sản và tài chính đang được quĩ ngoại này phân bổ danh mục nhiều nhất với tỉ trọng lần lượt 19% và 17%. Tuy nhiên, hai cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của quĩ này là FPT và MSN với tỉ trọng lần lượt 9,5% và 7,2%.
Các mã bất động sản được quĩ ngoại này nắm giữ nhiều nhất phải kể đến VHM (tỉ trọng 6%), VIC (4,9%), DXG (4,2%). Ngoài ra, danh mục đầu tư của Tundra Vietnam còn có các bluechip khác như VNM, HPG, VCB và MBB.
Nói về diễn biến của các cổ phiếu được nắm tỉ trọng lớn, trái với trạng thái lạc quan trước đó, Tundra Vietnam thừa nhận đã bị "đánh bại" khi đặt cược vào cổ phiếu FPT vì cho rằng Tập đoàn FPT nằm trong nhóm ít bị tác động bởi dịch COVID-19. Trong tháng 3, giá cổ phiếu FPT giảm gần 27% (tính theo USD). Ngoài FPT, các mã midcap khác làm gia tăng trạng thái tiêu cực của quĩ như DRC, PNJ, HSG và HT1.
Những phân tích trên cho thấy rằng, trong bối cảnh thị trường bị bán tháo, việc lựa chọn các cổ phiếu của các quĩ ngoại cũng phần nào rơi vào trạng thái "may hơn khôn". Minh chứng rõ nét bằng việc các mã đã giảm sâu trước đó như VIC, MSN, VNM lại có mức giảm nhẹ hơn so với FPT. Trước đó, mã FPT được nhiều quĩ ngoại và các công ty chứng khoán đánh giá là ít chịu tác động bởi dịch COVID-19 và tự tin mua vào với tỉ trọng lớn.