Mặt bằng 'cản tiến độ' hàng loạt dự án ở Đồng Nai
Với chủ trương hạ tầng phải đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế - xã hội, Đồng Nai đã đầu tư nguồn lực rất lớn triển khai hàng loạt dự án giao thông kết nối.
Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đến nay, nhiều dự án bị chậm tiến độ. Tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy, làm chậm tiến trình phát triển của địa phương.
Dự án xây dựng Hương lộ 2, giai đoạn 1 (thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa) khởi công cuối năm 2020, vốn đầu tư hơn 780 tỷ đồng. Theo hợp đồng ban đầu, dự án hoàn thành vào giữa năm 2022, nhưng rồi phải gia hạn đến cuối tháng 4/2023. Tuy nhiên, hết thời hạn này, Hương lộ 2 mới chỉ hoàn thành khoảng 50% tổng giá trị hợp đồng và phải tiếp tục gia hạn đến cuối năm nay.
Nguyên nhân chính khiến Hương lộ 2 chậm tiến độ là do vướng giải phóng mặt bằng. Đến nay, toàn tuyến vẫn còn 65 hộ và 1 tổ chức chưa bàn giao đất cho nhà thầu, việc thi công bị ách tắc.
Dự án cầu Vàm Cái Sứt (tạo ra hướng kết nối mới từ thành phố Biên Hòa đi Thành phố Hồ Chí Minh) khởi công tháng 10/2020 với tổng vốn đầu tư gần 390 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2022. Đến nay, sau hơn 30 tháng thi công, giá trị tích luỹ toàn dự án mới đạt khoảng 70% hợp đồng; dự án phải gia hạn (lần 2) đến tháng 5/2024 mới hoàn thành.
Đại diện liên danh nhà thầu cầu Vàm Cái Sứt cho biết, quá trình triển khai dự án, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn vì dịch COVID-19, đặc biệt là người dân chậm di dời. Mãi đến tháng 3/2023, hộ dân cuối cùng trong vùng dự án mới đồng ý bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.
Dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hoá An, thành phố Biên Hòa đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) với chiều dài hơn 5km, vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, khởi công tháng 12/2021. Đến nay, qua 17 tháng thi công, dự án vẫn rất ngổn ngang, chậm tiến độ.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Giao thông 828 (nhà thầu đường ven sông Đồng Nai), trên toàn tuyến còn rất nhiều vị trí người dân chưa bàn giao mặt bằng, điều này khiến nhà thầu không thể hoàn thành đường công vụ. Hầu hết máy móc, thiết bị nhà thầu phải vận chuyển bằng sà lan trên sông Đồng Nai để tiếp cận công trường. Do dự án chậm tiến độ nên nhà thầu đang làm thủ tục gia hạn hợp đồng.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN cho thấy, hầu hết người dân bị ảnh hưởng tại các dự án trên địa bàn Đồng Nai đều đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng di dời, nhường đất cho nhà nước. Người dân mong được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng, đặc biệt là sớm có đất tái định cư.
Bà Phạm Thị Tư, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa (người dân tại đường ven sông Đồng Nai) cho biết, gia đình đã nhận được tiền đền bù, hỗ trợ và bốc thăm đất tái định cư, đồng thời rất muốn đi bởi ở đây thi công đường nên nhiều bụi, máy móc ồn ào. Nhưng đến nay, cả nhà vẫn phải bám trụ trong công trường vì chưa được cấp đất để làm nhà mới.
Theo ông Phạm Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Biên Hòa, hiện, địa phương có nhiều dự án giao thông đang triển khai, người dân vùng dự án đồng tình với chủ trương của nhà nước. Tuy nhiên, việc thu hồi đất gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Nguyên nhân là hồ sơ đất phức tạp, các hộ mua bán đất bằng giấy viết tay, trong cùng một thửa đất nhưng có nhiều gia đình cùng sinh sống, đặc biệt là thiếu đất tái định cư.
Riêng dự án đường ven sông Đồng Nai, thành phố Biên Hòa phải thu hồi đất của khoảng 600 hộ; trong đó, có hơn 300 hộ phải bố trí tái định cư. Đến nay, còn gần 200 hộ chưa di dời vì chưa được giao đất tái định cư, một số hộ có ý kiến về giá bồi thường.
Ông Phạm Đức Hoàng cho biết, để phục vụ các dự án đang triển khai, thành phố Biên Hòa phải bố trí tái định cư cho hơn 1.500 hộ. Hiện, thành phố đang xây dựng nhiều khu tái định cư, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thực tế cho thấy, trong việc giải phóng mặt bằng, ngoài đến bù, hỗ trợ thì tái định cư cũng là vấn đề then chốt, phải đi trước. Bởi, chỉ khi được cấp đất tái định cư người dân mới có nơi ở mới để chuyển đến, bàn giao mặt bằng cho nhà nước.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai (viết tắt là Ban Quản lý), hiện, đơn vị được giao 23 dự án trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 16 dự án với vốn đầu tư gần 16.800 tỷ đồng. Đến nay, nhiều dự án bị chậm tiến độ, có dự án phải gia hạn lần thứ 3. Đối với Hương lộ 2, do dự án chồng lấn với dự án của chủ đầu tư khác nên khi thực hiện các đơn vị phải làm lại hồ sơ thu hồi đất, bồi thường.
Ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý cho biết, khoảng 3 năm qua, do dịch COVID-19, giá nguyên vật liệu biến động nên Ban Quản lý gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các dự án. Đặc biệt, việc chậm giải phóng mặt bằng khiến hầu hết dự án bị ách tắc, chậm tiến độ. Tới đây, Ban Quản lý sẽ trực tiếp làm việc với các đơn vị liên quan nhằm giải quyết cụ thể những vướng mắc trong bồi thường, bàn giao mặt bằng.
Thời gian qua, trong nhiều cuộc họp về triển khai các dự án, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần chỉ đạo vấn đề đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, đến nay nhiều ách tắc vẫn chưa được xử lý. Thiết nghĩ, tỉnh Đồng Nai cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa, qua đó sớm khởi thông điểm nghẽn, giúp dự án sớm hoàn thành, tạo động lực phát triển mới cho địa phương.