Luỹ kế 11 tháng đầu năm, hơn 204.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ được phát hành
Hoàn thành được 78,5% kế hoạch
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong 11 tháng, có tổng cộng 204.009 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) được phát hành tương đương 78,5% kế hoạch năm 2019. Trong đó khối lượng phát hành tập trung chủ yếu vào kì hạn 10 và 15 năm.
VCBS nhận định trong bối cảnh Chính phủ vẫn đang nỗ lực cải thiện giải ngân đầu tư công cùng diễn biến ngân sách thuận lợi, nhiều khả năng lượng trái phiếu phát hành sẽ không đạt kế hoạch năm 2019.
Tiến độ hoàn thành kế hoạch cả năm chi tiết như sau:
Nguồn: Bộ Tài Chính, VCBS.
Lãi suất trúng thầu giảm mạnh tại tất cả kì hạn, thấp nhất từ trước tới nay
Trong tháng 11, lãi suất trúng thầu tiếp tục giảm tại tất cả các kì hạn. Cụ thể, lãi suất trúng thầu ghi nhận ở mức ở 2,37% ( giảm 48 điểm so với tháng trước); 3,51% (giảm 7 điểm); 3,65% (giảm 11 điểm); 4,02% (giảm 30 điểm) và 4,64% (giảm 1 điểm) cho các kì hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.
Đã có 26.126 tỉ đồng trái phiếu được huy động trong tháng 11 từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), tăng gần 30% so với tháng 10. Cụ thể, KBNN huy động 400 tỉ đồng; 5.450 tỉ đồng; 5.345 tỏ đồng; 1.718 và 816 tỉ đồng trái phiếu tại các kì hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.
Thanh khoản dồi dào khiến nhu cầu tăng cao tại tất cả các kì hạn: tỉ lệ đăng kí - gọi thầu đạt 3,8 lần trong tháng này và tổng giá trị trúng thầu - gọi thầu tăng đạt 78,45%.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển (NHPT) huy động 1.100 tỷ đồng, 1.150 tỷ đồng, 5.000 tỷ đồng và 5.147 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm. Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) không huy động trái phiếu trong tháng này.
Các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng sẽ là yếu tố quyết định ảnh hưởng lên thị trường trái phiếu khi bất kì căng thẳng thanh khoản nào nếu có ngay lập tức có thể tạo ra những tác động tiêu cực lên lợi suất.
Do đó, các hiệu ứng mùa vụ xuất hiện trong tháng 12 có thể tạo ra những áp lực tăng trong ngắn hạn giống như giai đoạn cùng kì năm ngoái
Với dự báo các yếu tố bất định vẫn chưa thể sớm chấm dứt và đặc biệt càng về cuối năm tình trạng căng thẳng thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng xảy ra với xác suất cao hơn theo yếu tố mùa vụ. Như vậy, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng được dự báo sẽ khó có thể giảm trở lại trong tháng cuối năm.