|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Luật sư nói trường quốc tế Việt - Úc phạm pháp khi đuổi học sinh vì phụ huynh phản đối chính sách học phí

14:49 | 13/07/2020
Chia sẻ
Thông thường, các nhà trường có thể được phép cho một học sinh thôi học vì những lý do như vi phạm nghiêm trọng quy chế, nội quy của nhà trưởng.

Gần đây, giới truyền thông đưa tin trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) ở TP HCM từ chối tiếp nhận hơn 40 học sinh chỉ vì phụ huynh của các em phản đối chính sách học phí của trường.

Ngày 4/7, VAS đã phản hồi về việc “không thể tiếp tục tiếp nhận một số học sinh trong năm học 2020- 2021”. Theo VAS, khoảng 40 gia đình nhận thông báo.

Theo VAS, trong thời gian qua, sau khi lắng nghe phản hồi của phụ huynh từ các kênh thông tin khác nhau, VAS đã điều chỉnh chính sách học phí dành cho giai đoạn trường chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. VAS tuyên bố họ chỉ thu học phí ở mức 30% đối với cấp tiểu học và trung học sau khi xem xét các ý kiến đóng góp của phụ huynh và tuân thủ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. 

"Tuy nhiên, một số ít phụ huynh vẫn tiếp tục yêu cầu VAS điều chỉnh hơn nữa và chúng tôi không thể tiếp tục đáp ứng yêu cầu của nhóm phụ huynh này", VAS giải thích.

Nhiều người cho rằng quyết định của VAS là hành vi phản giáo dục và không nhân văn của một ngôi trường mang tên quốc tế. Họ cho rằng VAS không nên đưa trẻ em vào mâu thuẫn giữa người lớn và trường.

"Hành động phản giáo dục"

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nhận định đây là một hành vi phản giáo dục và trái với các quy định của pháp luật hiện hành và phải chịu những chế tài của pháp luật có liên quan.

Luật sư nói trường quốc tế Việt - Úc phạm pháp khi đuổi học sinh vì phụ huynh phản đối chính sách học phí - Ảnh 1.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: TGS

Quan điểm của ông Hùng là các nhà trường có thể được phép cho một học sinh thôi học vì những lý do như vi phạm nghiêm trọng quy chế, nội quy của nhà trưởng. Nếu học sinh không đóng học phí, gây gổ đánh nhau nhiều lần, sử dụng ma túy, phạm các tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhà trường có thể áp dụng biện pháp kỉ luật là buộc thôi học. 

Song VAS lại đuổi học học sinh với lí do không thống nhất quan điểm với phụ huynh học sinh. Hành vi ấy không chỉ vi phạm Luật Dân sự mà còn vi phạm nghiêm trọng Luật Giáo dục, Luật Trẻ em của Việt Nam.

"Điều 16 Luật Trẻ Em năm 2016 qui định trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện; Trẻ em cũng có quyền được bình đẳng về cơ hội học tập trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện thực tế nào. Buộc trẻ ngừng học hay làm gián đoạn tiến trình học tập của trẻ em là vi phạm vào các hành vi Điều 6 Luật Trẻ em nghiêm cấm", luật sư Hùng nói.

Trách nhiệm của nhà trường còn thể hiện rõ hơn tại Luật Giáo Dục, và quyền của người học được quy định tại Điều 83, Luật Giáo Dục. Theo đó, người học phải được tôn trọng; bình đẳng về cơ hội giáo dục và học tập, được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh; được cung cấp đẩy đủ thông tin về việc học tập và rèn luyện.

Không chỉ vậy, người học còn có thể trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp để kiến nghị với cở sở giáo dục các giải pháp góp phần xây dựng cơ sở giáo dục, bảo vệ quyền, lợi ích của người học.

"Như vậy, cơ sở giáo dục không thể buộc người học phải dừng học vì họ đã thực hiện các quyền của họ một cách hợp pháp, chính đáng", vị luật sư nhấn mạnh.

Về các chế tài xử lý với hành vi này, theo Điều 19, Nghị định 79/2015 do Chính phủ ban hành ngày 14/09/2015, hành vi kỷ luật buộc thôi học không đúng với quy định đối với từ 05 người học trở lên sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời cơ sở giáo dục còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc hủy quyết định kỷ luật, khôi phục quyền lợi học tập cho người học.

Ngoài ra, việc buộc các học sinh thôi học còn gây ra những tổn that về tinh thần, thậm chí còn là xâm phạm, bạo lực tinh thần đối với các em. Do đó, cơ sở giáo dục này có thể bị xử lí theo Nghị định 144/2013 mà Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013 để qui định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 

Cụ thể theo điểm c, Khoản 2, Điều 27 Nghị định này quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng cho hành vi gây tổn hại đến tinh thần của trẻ em và phải chịu mọi chi phí khám chữa bệnh của trẻ (nếu có).

Giải pháp phụ huynh học sinh có thể thực hiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng

Luật sư Hùng khẳng định các phụ huynh có thể thực hiện khiếu nại hành vi buộc thôi học của VAS tới các cơ quan như Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng địa phương với trường này. 

Luật sư nói trường quốc tế Việt - Úc phạm pháp khi đuổi học sinh vì phụ huynh phản đối chính sách học phí - Ảnh 2.

Một quyết định mà VAS gửi tới một phụ huynh.

Nghị định 127/2018 do Chính Phủ ban hành ngày 21/09/2018 đã qui định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo đều có quyền thực hiện kiểm tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật. Họ sẽ tiếp nhận và có trách nhiệm điều tra, thanh tra các vi phạm, đồng thời đưa ra biện pháp xử lý thích hợp theo quy đinh pháp luật và quy chế nội bộ ngành.

Đồng thời, ông Hùng cho rằng phụ huynh học sinh nên yêu cầu các cơ quan buộc nhà trường phải thu hồi quyết định, công văn đã ban hành, và yêu cầu không kì thị, hạn chế việc học tập của các học sinh liên quan tới quyết định của VAS.

Chí Quân