|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

‘Luật nới rộng, người nước ngoài vẫn lo ngại giá bán nhà đắt đỏ'

07:27 | 20/09/2016
Chia sẻ
“Khả năng chi trả là yếu tố quyết định việc xuống tiền của nhà đầu tư nước ngoài, khi giá bán bất động sản nhà ở tại Hà Nội và TP HCM được ghi nhận là khá đắt đỏ”, Jones Lang LaSalle Vietnam nhận định.

Những thay đổi luật đang tác động như thế nào đến quyết định mua nhà của người nước ngoài tại Việt Nam là điều Ông Greg Ohan, Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Vietnam phân tích.

luat noi rong nguoi nuoc ngoai van lo ngai gia ban nha dat do
Ảnh minh họa (Nguồn: chungcusailtower.com)

Theo Greg Ohan, Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua vào ngày 25/11/2014 về việc người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, cùng với những yếu tố tích cực của thị trường đã đưa bất động sản Việt Nam, từ một thị trường bị lãng quên (thời điểm trước năm 2015) trở thành thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn trong khu vực.

“Tuy vẫn còn không ít hạn chế nhưng sự thay đổi luật đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam”, Ohan nhận định.

Thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam tăng trưởng chậm cho tới năm 2015. Những nguyên nhân được Giám đốc JLL đưa ra là sự hạn chế về quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài, thiếu những dự án đầu tư chất lượng, bong bóng đầu cơ trong giai đoạn 2006 – 2008, thị trường diện tích cho thuê có quy mô nhỏ và cơ hội đầu tư tại các thành phố khác trong khu vực hấp dẫn hơn cũng như có tính minh bạch cao hơn.

Tuy nhiên, Luật mới đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề trên, thậm chí loại bỏ được một số quy định rườm rà mà trước đây người nước ngoài gặp phải, giúp thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn trở lại.

Để giải thích cho những đánh giá trên, ông Greg Ohan đã tổng hợp lại một số quy định cụ thể về vấn đề mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam của người nước ngoài.

Theo đó, tất cả người nước ngoài có thị thực vào Việt Nam từ ba tháng trở lên, các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều là đối tượng được quyền mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.

Loại hình bất động sản mà người nước ngoài được phép mua là tất cả các loại tài sản thuộc phân khúc nhà ở, bao gồm căn hộ và nhà gắn liền với đất (như biệt thự và nhà phố trong một dự án phát triển). Nội dung này đã được mở rộng so với trước đây (chỉ áp dụng cho căn hộ).

Ông Ohan nhắc lại về quy định số lượng tài sản người nước ngoài có thể mua là không có giới hạn chính xác. Tuy nhiên, người nước ngoài không được sở hữu quá 30% tổng số căn hộ của một toà chung cư, hoặc không được vượt quá 10% số lượng tài sản nhà ở gắn liền với đất trong một dự án phát triển.

Nếu trước đây tài sản sở hữu bởi người nước ngoài chỉ dành cho mục đích cư ngụ và không được cho thuê, thì Luật Nhà ở 2014 thay đổi quy định thành “Người nước ngoài có thể cho thuê lại, thừa kế và thế chấp”.

Thời hạn người nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận tối đa không quá 50 năm. Dù vậy, thời gian có thể được gia hạn thêm khi hết hạn. Đặc biệt, trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam, hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được toàn quyền sở hữu.

“Việc gỡ bỏ những hạn chế người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam là một tin tốt lành cho thị trường bất động sản và chứng tỏ một bước đi tích cực đúng hướng. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề mở cửa cho người nước ngoài thì khả năng chi trả cũng là yếu tố quyết định việc xuống tiền của các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài, khi giá bán bất động sản nhà ở tại Hà Nội và TP HCM được ghi nhận là khá đắt đỏ”, Greg Ohan kết luận.

Linh Lê