|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lối thoát cho qui hoạch treo ở Cần Thơ?

14:18 | 31/03/2020
Chia sẻ
TP. Cần Thơ đụng đến đâu cũng vướng qui hoạch, nhiều dự án treo, qui hoạch treo, nhiều công trình giao thông qui hoạch nhưng không có chủ đầu tư, không có nguồn kinh phí thực hiện.

Đây không phải chỉ là nỗi khổ của người dân, mà còn là nỗi bức xúc của các nhà lãnh đạo địa phương, vì vướng cơ chế, nên không xử lý được.

Lối thoát cho qui hoạch treo ở Cần Thơ? - Ảnh 1.

Nơi dân cư nằm trong dự án treo Trung tâm Văn hóa Tây Đô Nam Sơn

Dự án quy hoạch treo gần 15 năm

Hiện nay, TP. Cần Thơ có chục dự án treo, quy hoạch treo, tiêu biểu trong số đó là dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô. Dự án này manh nha đầu năm 2000 và có văn bản quy hoạch thông qua thực hiện vào năm 2006. Dự án có dự toán khoảng 6.000 tỷ đồng với quy mô 180 ha.

Ngoài khu tái định cư hơn 45 ha, phần lớn số đất quy hoạch còn lại dùng để triển khai hàng chục, thậm chí cả trăm công trình trên cùng dự án.

Tuy nhiên, suốt 15 năm từ 2006 đến nay, người Cần Thơ chưa thấy công trình nào của Dự án được thực hiện. Người dân chỉ thấy có Quỹ đầu tư phát triển dự án Khu dân cư, khu tái định cư theo hình thức phân lô bán nền.

Những nội dung mà HĐND TP. Cần Thơ thông qua phải phù hợp với nguyện vọng người dân trong vùng quy hoạch treo, dự án treo, đồng thời phù hợp với Luật Xây dựng và Luật pháp có liên quan.

Anh Bành Chí Cường, một cư dân có đất trong khu quy hoạch treo Trung tâm Văn Hóa Tây Đô với diện tích sở hữu 1.000m2, nằm trên tuyến đường Quang Trung - đối diện với dự án Khu dân cư Hưng Phú cho biết, do đất trong dự án quy hoạch treo, anh không dám xây dựng hay làm gì trên diện tích đất này.

“Đối diện bên kia đường, giá đất khoảng 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nếu đất của tôi bị thu hồi thì giá đền bù sẽ chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2. Người dân bị thiệt thòi dữ lắm nếu xui xẻo rơi vào quy hoạch treo, dự án treo” - anh Bành Chí Cường than thở.

Gỡ bế tắc cho các dự án quy hoạch treo

Tại cuộc họp Hội đồng quy hoạch TP. Cần Thơ thông qua nhiệm vụ quy hoạch phát triển TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ông Lê Quang Mạnh - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho rằng các điểm lớn như quy hoạch lần này phải kế thừa, nâng lên tầm cao mới so với quy hoạch trước đây.

“Quá trình xây dựng và triển khai phải thích hợp vì vậy đòi hỏi phải có sự tham gia của các ngành và các địa phương. 

Trong 32 quy hoạch chi tiết làm sao tích hợp được vào quy hoạch chung TP. Cần Thơ, sao cho vừa tích hợp, vừa thống nhất, phát huy được tính kết nối vùng, kết nối cả nước, nhất là lĩnh vực giao thông, kinh tế để phát huy lợi thế thành phố trung tâm ĐBSCL trên đường phát triển”, ông Lê Quang Mạnh chỉ đạo.

Làm thế nào vừa đảm bảo quy hoạch TP. Cần Thơ không bị phá vỡ, vừa đảm bảo quyền lợi người dân trong vùng quy hoạch? 

Đây là câu hỏi hợp lòng dân bởi khó khăn trong đầu tư, xây dựng, hay mất giá đất so với vùng ngoài quy hoạch đang khiến nhiều gia đình lo sợ tài sản của mình sẽ thuộc diện quy hoạch tương lai.

TS. Nguyễn Đình Chúc - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng HĐND TP. Cần Thơ phải có đề án và phải thống nhất thông qua những quy định chặt chẽ để người dân vừa thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi chính quyền thực hiện quản lý quy hoạch phù hợp thực tế, phù hợp với pháp luật...

Ngay cả như vậy thì đó cũng là câu trả lời chung chung, khó có thể hứa hẹn hay cam kết một tương lai quy hoạch phù hợp với xu hướng phát triển TP. Cần Thơ, hợp lòng dân.

Quá bức xúc vì dự án treo, nhiều người dân cho rằng HĐND TP. Cần Thơ cần có tiếng nói chung, có tờ trình về quản lý quy hoạch treo, dự án treo; người dân được làm gì và không được làm gì trong các dự án quy hoạch? 

Những nội dung mà HĐND TP. Cần Thơ thông qua phải phù hợp với nguyện vọng người dân trong vùng quy hoạch treo, dự án treo, đồng thời phù hợp với Luật Xây dựng và Luật pháp có liên quan...

Chỉ khi nào tháo gỡ thắt nút đó mới giải quyết được vấn đề bế tắc vừa nêu, và bức xúc của dân mới có cơ sở giải tỏa.

Nam Sơn