Lọc hóa dầu Bình Sơn tiết lộ nguyên nhân chậm niêm yết cổ phiếu trên HOSE
Lý do nào BSR lỡ kế hoạch niêm yết trên HOSE?
Đại hội đồng cổ đông thường niên CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) tổ chức cuối tháng 4 thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu hợp nhất 97.979 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.939 tỉ đồng và nộp Ngân sách Nhà nước gần 9.210 tỉ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết, kế hoạch này đã tính đến sự xuất hiện của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
BSR dự kiến chia cổ tức tỉ lệ 7% tương đương 2.170 tỉ đồng, trong đó số tiền nộp về công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gần 2.000 tỉ đồng.
Trong năm 2019, công ty có kế hoạch dùng 918 tỉ đồng đầu tư, bao gồm 525 tỉ đồng cho dự án nâng cấp mở rộng nhà máy Dung Quất (trong đó chuẩn bị mặt bằng 246 tỉ đồng, chi phí hoạt động Ban QLDA 103 tỉ đồng), chi cho mua sắm khoảng 303 tỉ đồng, tất cả được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc không thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vào tháng 4/2019 theo kế hoạch năm 2018 đã đặt ra, ban lãnh đạo BSR cho hay:
"Báo cáo tài chính công ty trong các năm 2016 và 2017 có phần loại trừ liên quan đến CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung nên không đáp ứng điều kiện niêm yết cổ phiếu trên HOSE.
BSR cho biết đang đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và HOSE cho phép dùng báo cáo quyết toán cổ phần hóa giai đoạn từ 1/1/2016 – 30/6/2018 (từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm thành công ty cổ phần) để thay thế cho BCTC hai năm 2016, 2017.
HOSE đã có văn bản đề nghị SSC hướng dẫn nhưng chưa được SSC đồng ý. BSR sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục niêm yết ngay khi đáp ứng các tiêu chí của HOSE".
Về lộ trình thoái vốn của PVN, ban lãnh đạo cho hay còn phụ thuộc kế hoạch của công ty mẹ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Khi thoái vốn, cổ phần BSR sẽ được bán trực tiếp trên thị trường UPCoM hoặc sàn HOSE dưới hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Dự án NCMR Nhà máy Dung Quất dự kiến hoàn thành cuối năm 2024
Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất (Ảnh: BSR)
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, BSR hiện đang trong quá trình làm rõ đề xuất của nhà đầu tư Blackrock về khả năng hợp tác trong việc thu xếp vốn và thực hiện dự án NCMR Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo đánh giá, phương án do Blackrock đề xuất là hình thức mới, có tính mở nhưng quy định pháp lý của phương thức này tại Việt Nam có nhiều điểm chưa rõ cần có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
Việc nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm từ Euro II lên Euro V đang được công ty thực hiện thông qua dự án NCMR Nhà máy Dung Quất. Hiện một số công việc lớn của dự án đã hoàn thành. Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế kỹ thuật tổng thể và tổng dự toán đã được phê duyệt. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024.
BSR cho biết đã có chiến lược và kế hoạch về nguồn dầu thô trong ngắn hạn và dài hạn, theo đó đã tính toán, phân tích nhiều kịch bản khác nhau bao gồm cả phương án không có nguồn dầu từ Azerbaijan.
Trong quý I, BSR đạt lợi nhuận khoảng hơn 600 tỉ đồng, không đạt kế hoạch đề ra. Trong tháng 4, công ty đạt lợi nhuận khoảng 400 tỉ đồng. Công ty cho biết sẽ có phương án tối ưu hàng tồn kho dựa trên diễn biến giá thị trường, cố gắng để hoàn thành kế hoạch kinh doanh quý II cũng như kế hoạch cả năm 2019.
Trong năm nay, BSR không có kế hoạch dừng nhà máy để thực hiện bảo dưỡng. Việc bảo dưỡng tổng thể toàn nhà máy dự kiến được thực hiện trong năm 2020.
Về việc giá cổ phiếu liên tục xuống thấp, ban lãnh đạo cho hay sẽ tập trung điều hành tốt các hoạt động sản xuất, hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó sẽ lưu ý đến công tác truyền thông và tiếp xúc, thông tin đến các cổ đông.