|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt, cao nhất 60%

15:51 | 25/09/2021
Chia sẻ
Trong tuần từ 28/9 đến 4/10 trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hàng chục cổ phiếu giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm, bao gồm những cái tên lớn như Dabaco, Xây dựng Hòa Bình, ….

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt cổ tức này gồm:

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) dự định trả cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cp.

Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày thanh toán lần lượt là 29/9 và 23/11. Dabaco hiện có vốn điều lệ 1.152 tỷ đồng và do vậy sẽ cần chi khoảng 230 tỷ để thanh toán cho cổ đông.

Cá nhân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So đang sở hữu 28,3% vốn điều lệ của Dabaco và do vậy sẽ được nhận khoảng 65 tỷ đồng. Ngoài ra, các em trai và con gái của ông So cũng đang nắm giữ cổ phần trong công ty. Tổng cộng, gia đình ông So kiểm soát 34,7% vốn của Dabaco và sẽ nhận khoảng 80 tỷ đồng tiền cổ tức.

Trước đó vào các năm 2019 và 2020, Dabaco trả cổ tức tiền mặt lần lượt 500 đồng và 1.500 đồng/cp.

Loạt doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt, cao nhất 60% - Ảnh 1.

Sản phẩm trứng gia cầm của Dabaco. (Ảnh: Song Ngọc).

Dabaco hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi heo thịt, gà thịt, trứng gia cầm. Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất 580 tỷ đồng, giảm 22,7% so với cùng kỳ 2020. Riêng quý II, lợi nhuận giảm 46% còn 215 tỷ.

Kết phiên 24/9, giá cổ phiếu DBC dừng ở 62.400 đồng/cp, tăng 21% so với đầu năm.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 5%, tức là nhà đầu tư sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới. Ngày GDKHQ là 29/9.

Công ty hiện có gần 231 triệu cổ phiếu HBC đang lưu hành nên sẽ cần phát hành mới khoảng 11,5 triệu đơn vị. Vốn điều lệ sau phát hành tăng lên thành 2.424 tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt, cao nhất 60% - Ảnh 2.

Một dự án do Hòa Bình xây dựng tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong nửa đầu năm nay, Hòa Bình ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất 68 tỷ đồng, cao gấp 7,2 lần so với cùng kỳ 2020. Một phần lợi nhuận tăng thêm đến từ việc bán Công ty cổ phần Nhà Hòa Bình và thu về 67,8 tỷ đồng.

Cả năm 2021, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỷ, lãi sau thuế 235 tỷ. Sau 6 tháng, tập đoàn đã thực hiện 40% kế hoạch doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận.

Loạt doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt, cao nhất 60% - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình tương đối thấp trong hai năm COVID-19 hoành hành.

Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom - Mã: FOX) dự kiến trả cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền mặt 1.000 đồng/cp.

Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 29/9 và 21/12. Với hơn 328 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ cần chi khoảng 328 tỷ đồng. 

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) đang nắm giữ lần lượt 50,17% và 45,65% vốn của FPT Telecom và do vậy sẽ nhận về tương ứng 164,7 tỷ và 150 tỷ đồng.

Năm 2020, FPT Telecom trả cổ tức tiền mặt trong hai đợt, tổng giá trị 3.000 đồng/cp.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) có kế hoạch trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt 200 đồng/cp. Công ty hiện có vốn điều lệ hơn 23.400 tỷ đồng nên sẽ cần chi khoảng 468 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu gần 80% vốn điều lệ của PV Power nên sẽ được nhận khoảng 374 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Bột giặt NET (Mã: NET) dự định trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 60%, tương đương 6.000 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 30/9 và 20/10.

Với 22,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ cần chi khoảng 134,4 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của Bột giặt NET là Công ty TNHH Masan HPC với tỷ lệ sở hữu 52,25%, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nắm 36%. Tập đoàn Masan (Mã: MSN) gián tiếp sở hữu 68,9% vốn tại Masan HPC.

Loạt doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt, cao nhất 60% - Ảnh 5.

Song Ngọc