Loại bỏ 463 thủy điện nhỏ tác động xấu đến môi trường, xã hội
Cần tăng cường công tác quản lý thủy điện (Ảnh minh họa)
Đây là kết quả kiểm tra, rà soát quy hoạch thủy điện sau khi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/2/2014 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Trong danh mục các thủy điện bị loại bỏ có 8 dự án thủy điện bậc thang với tổng công suất lắp đặt khoảng 655 MW, 463 dự án thủy điện nhỏ 1.404,68 MW; 213 vị trí thủy điện tiềm năng khoảng 350 MW.
Theo ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Năng lượng, Bộ Công Thương -trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để rà soát và loại bỏ các dự thủy điện nhỏ với các tiêu chí cụ thể như:các dự án thủy điện có ảnh hưởng đến môi trường xã hội (ảnh hưởng tới người dân); ảnh hưởng đến môi trường rừng, đất đai...; các dự án có hiệu quả kinh tế kém; không có vai trò lớn đối với hệ thống điện quốc gia; các dự án có khó khăn trong đấu nối và khó khăn về giao thông; đặc biệt những dự án có diện tích chiếm đất lớn (bao gồm cả diện tích sông, suối) từ 10ha đất/1 MW.
Như vậy, cho đến nay tại Việt Nam có 306 công trình thủy điện đang vận hành với công suất khoảng 15.474 MW; 193 dự án đang thi công với tổng công suất lắp máy khoảng 5.660 MW; 245 dự án với tổng công suất 3.000 MW đang nghiên cứu đầu tư và 59 dự án tiếp tục rà soát (421 MW).
Cũng theo ông Quân, thủy điện chiếm khoảng 46% về công suất và 42% về điện lượng đối với toàn hệ thống điện Việt Nam. Về mặt tài nguyên nước, các hồ chứa thủy điện chiếm 86% tổng dung tích của tất cả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nên đóng góp rất lớn trong việc chống lũ và cấp nước cho mùa khô.