Lo ngại thiếu hụt nguồn cung đẩy giá cà phê lên kỷ lục
Cụ thể trong đầu phiên 11/10, giá cà phê nhân xô trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt tăng 300 đồng/kg lên chạm mốc kỷ lục mới, với mức giá cao nhất là 42.300 đồng/kg ở Đắk Lắk và Gia Lai và mức giá thấp nhất là 41.500 ở Lâm Đồng. Đây là mức giá cà phê cao nhất trong vòng 19 tháng trở lại đây.
Giá FOB cà phê tại cảng TP Hồ Chí Minh theo đó cũng tăng 26 USD lên cao kỷ lục ở 1.937 USD/tấn.
Trên thị trường quốc tế, giá cà phê robusta cũng lấy lại mốc 2000 USD/tấn với mức tăng 1% cho tất cả các hợp đồng kỳ hạn trên sàn ICE châu Âu. Tương tự với giá cà phê trong nước, đây là mức giá cao nhất 19 tháng của cà phê robusta thế giới.
Giá cà phê robusta trong nước và thế giới đồng loạt chạm đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu, đặc biệt là ở Việt Nam và Brazil, do tác động của El Nino. Cuối tháng 10, Việt Nam mới bắt đầu vụ thu hoạch 2015 – 2016 với sản lượng ước giảm mạnh 20 – 25%.
Trong khi đó, Viện Cà phê Quốc gia Costa Rica cho biết, xuất khẩu cà phê trong vụ thu hoạch 2015 – 2016 của nước này chỉ tăng 7% so với niên vụ trước lên 1,24 triệu bao 60kg. Mới đây, chính phủ Costa Rica – nước sản xuất cà phê lớn thứ 14 thế giới – cho biết sẽ duy trì lệnh cấm canh tác cây cà phê robusta, làm gia tăng thêm lo ngại về thiếu hụt nguồn loại cà phê này.
Trái ngược với cà phê robusta, cà phê arabica được mùa hơn tại Brazil. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung robusta cũng sẽ tác động lớn đến thị trường cà phê arabica khi các nhà sản xuất phải tăng cường sử dụng tỷ lệ arabica trong quá trình chế biến.
Kết quả là, giá cà phê arabica trên hai sàn ICE Mỹ và BMF Brazil ghi nhận phiên tăng giá thứ 2 liên tiếp với mức tăng trung bình 3,4%. Cụ thể, giá cà phê arabia giao tháng 12/2016 tăng 3,3% trên sàn ICE Mỹ và giá cà phê arabica giao tháng 3/2017 tăng 3,6% trên sàn BMF Brazil.