|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lỗ lũy kế gần 4.750 tỉ đồng đến hết năm 2018, nhưng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đang vận hành trở lại với 12/29 dây chuyền

14:06 | 23/09/2019
Chia sẻ
Từ ba dây chuyền thử nghiệm tháng 4/2018, hợp tác giữa PVTex và nhóm An Phát Holding đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại 12 dây chuyền sau gần một năm rưỡi.

PVTex lỗ lũy kế gần 4.750 tỉ đồng cuối năm 2018

Thông tin từ báo cáo tài chính kiểm toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiết lộ tình hình kinh doanh khó khăn của CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Đình Vũ (PVTex - công ty con của PVN) tại thời điểm kết thúc năm 2018.

Cụ thể, PVTex lỗ lũy kế lên tới 4.749 tỉ đồng, tăng thêm 710 tỉ đồng so với cuối năm 2017 và đã vượt quá phần vốn góp của chủ sở hữu.

Tổng tài sản 5.237 tỉ đồng và nợ phải trả tăng lên 7.727 tỉ đồng; trong đó riêng nợ phải trả ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn 2.616 tỉ đồng.

Số dư khoản vay dài hạn của PVTex được PVN bảo lãnh tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 5.125 tỉ đồng. Số dư các khoản vay và nợ đã quá hạn chưa được thanh toán tại thời điểm kết thúc năm 2018 gần 1.400 tỉ đồng.

Cộng thêm việc PVTex đang làm việc với các nhà thầu và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xác định giá trị quyết toán công trình Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Đình Vũ; khiến cho Kiểm toán Deloitte nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty.

Vận hành trở lại được 12/29 dây chuyền

Thực tế kể từ tháng 4/2018, PVTex đã chính thức cho vận hành trở lại ba dây chuyền kéo sợi DTY đầu tiên của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Tháng 7/2018, PVTex cùng CTCP An Phát Holding (APH) và CTCP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn (thành viên của APH) ký kết hợp đồng hợp tác gia công sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ; mục tiêu sớm có thể vận hành trở lại toàn bộ Nhà máy.

Trong đó, An Phát Holding với năng lực tài chính của mình sẽ đảm bảo dòng tiền cho nhà máy; công ty này sẽ hợp tác cùng hai đối tác nước ngoài là Reliance Industry Ltd. với lợi thế về công nghệ sẽ đảm bảo quá trình vận hành các dây chuyền, thiết bị của nhà máy được trơn tru, thông suốt; và Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. sẽ là đơn vị "bảo hiểm" đảm bảo đầu ra cho toàn bộ sản phẩm của Nhà máy.

Đến tháng 11/2018, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ nâng công suất lên 6 dây chuyền. PVTex đặt mục tiêu kết thúc năm 2018 tăng lên 9 dây chuyền và vận hành toàn bộ 29 dây chuyền sản xuất sợi vào cuối năm 2019.

pvtex%201

Công nhân nhà máy PVTex (Ảnh: PVN)

Theo báo cáo của PVTex, tính đến thời điểm 14/6/2019, đối tác An Phát Holding bỏ ra nguồn vốn khoảng 100 tỉ đồng để thực hiện hợp đồng gia công. Đến giữa tháng 6/2019, hợp tác giữa PVTex và An Phát Holding nâng số dây chuyền vận hành lên 12 sản xuất được 4.410 tấn sợi DTY, doanh thu đạt gần 200 tỉ đồng.

Sản phẩm sợi DTY của nhà máy được tổ chức Oeko-Tex (Đức) đã cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường Châu Âu; và đã xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan.

Tháng 7 vừa qua, PVTex và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm với Vinatex và các đơn vị thành viên.

Điều kiện nào để đưa PVTex vận hành trở lại

Được biết, để có thể đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại, nhóm nhà đầu tư An Phát Holding đưa ra các điều kiện ban đầu như sau:

Trước tiên là Chính phủ bảo đảm về pháp lý và bảo đảm trên thực tế quyền hợp tác, quản lý, vận hành nhà máy ổn định, không bị trì hoãn, gián đoạn hoặc ảnh hưởng khác gây ra bởi bất cứ bên nào, bao gồm các chủ nợ, các bên cho vay, nhà thầu, người lao động của PVTex...

Tiếp theo, các nhà đầu tư yêu cầu được xem xét khả năng bao tiêu sản phẩm Paraxylene (PX) tại Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP). Đây là nguyên liệu cơ bản để chế tạo PTA (một trong hai nguyên liệu đầu vào chủ yếu của các nhà máy xơ sợi tổng hợp). 

Về quyền bao tiêu sản phẩm PX, các đối tác của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ cam kết sẽ đồng ý với các điều khoản, điều kiện tương tự như NSRP đã ký hợp đồng bán PX cho các đối tác khác (IKC, Mitsui...)

Mặt khác, liên doanh cũng đề nghị được hưởng quyền bao tiêu khoảng 50% sản lượng Polypropylene của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với các điều kiện mua bán tương tự như BSR đang áp dụng bán cho các công ty khác trong PVN.

Các đối tác cũng đề nghị các cổ đông PVTex xem xét tăng thời hạn hợp tác dài hạn, tối thiểu là 5 năm, trong đó 3 năm không tính khấu hao tài sản cố định và 2 năm tiếp theo sẽ cùng xem xét chi phí khấu hao một phần tài sản cố định nếu sản xuất có lãi.

Cùng với điều kiện đó là việc chấp thuận cho đối tác được quyền ưu tiên mua cổ phần của PVTex trong trường hợp PVTex cổ phần hóa hoặc PVN thoái vốn tại PVTex. Các đối tác đề xuất được hưởng quyền ưu tiên khi chào bán đầu tiên cổ phần của PVTex theo hình thức bán chỉ định với số lượng cổ phần được ưu tiên mua không thấp hơn 25% tổng số cổ phần chào bán...

Đông A

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.