|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lỗ hổng thất thoát nghìn tỷ từ dự án BT

06:56 | 24/07/2017
Chia sẻ
Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đổi đất lấy hạ tầng những năm qua đã góp phần huy động thêm nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống chính sách pháp luật còn thiếu và hổng, phương thức đầu tư này đã để xảy ra nhiều sai phạm, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
lo hong that thoat nghin ty tu du an bt

Nguồn nước đen ngòm sau khi đã qua xử lý tại cống xả Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở - một trong những hạng mục dự án được đầu tư theo hình thức BT bị cơ quan thanh tra yêu cầu phải nộp trả UBND TP Hà Nội hơn 480 tỷ đồng - Ảnh: Trịnh Tuyết.

Kỳ 1: Cơ quan quản lý buông lỏng, nhà đầu tư tung hoành

Trong khi cơ chế chính sách đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) còn nhiều lỗ hổng, cộng với việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương dẫn đến nhiều sai phạm trong hình thức đầu tư này gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Dự án BT “vô tiền khoáng hậu”

Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở được đầu tư theo hình thức BT giữa UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia), với tổng mức đầu tư hơn 319,2 triệu USD. Đổi lại, nhà máy sẽ được nhận quỹ đất đối ứng khoảng 150ha và dự án Gamuda Gardens đã được nhà đầu tư khởi công ngày 1/3/2012, hiện bắt đầu giao nhà cho khách.

Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở khởi công từ ngày 1/1/2009, song đến tháng 9/2011 hợp đồng mới được Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội ký kết với nhà đầu tư là Tổng thầu EPC (Gamuda Engineering).

Hà Nội “né” câu hỏi trách nhiệm?

Ngày 20/7, PV Báo Giao thông đã đề nghị làm việc với Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng để làm rõ trách nhiệm của Hà Nội trong xảy ra hàng loạt sai phạm trong thực hiện các dự án BT như Thanh tra Chính phủ kết luận. Ông Hùng cho biết đã giao Chánh văn phòng UBND TP, Giám đốc Sở KH&ĐT làm đầu mối và đề nghị Báo Giao thông liên hệ với lãnh đạo hai đơn vị này. Liên lạc với Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, PV được ông Quyền giới thiệu qua làm việc Chánh văn phòng Sở. Tuy nhiên, khi PV đến làm việc, bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội chỉ ghi nhận nội dung Báo Giao thông đặt ra để “giao cho các phòng ban chức năng xử lý, rồi trao đổi lại với PV”.

Cũng chính vì thời gian dài chưa ký kết hợp đồng, nên dự án được triển khai khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế và thẩm tra phê duyệt công nghệ; chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư... Toàn bộ quá trình thi công, thực hiện dự án trước khi ký hợp đồng không có sự tham gia giám sát, thẩm định, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, sở, ban, ngành trực thuộc của UBND TP Hà Nội. Chỉ tới khi sự đã rồi, để hợp thức hóa, các cơ quan quản lý đành phải đưa vào nội dung hợp đồng các hạng mục mà nhà đầu tư đã tự thi công và hoàn thành trước đó. Ngay cả một số hạng mục chi phí theo đề nghị của nhà đầu tư dù chưa đầy đủ cơ sở, tài liệu theo quy định vẫn được đưa vào xem xét quyết toán.

Sau khi ký kết hợp đồng, Hà Nội cũng chậm trễ trong thành lập hội đồng nghiệm thu, bàn giao, vận hành nhà máy, khiến dự án bị kéo dài thêm khoảng 18 tháng, gây phát sinh chi phí hơn 11,5 triệu USD (sau kiểm toán).

Kết quả thanh tra của Bộ KH&ĐT (Kết luận Thanh tra số 215/BKHĐT-TTr ngày 13/1/2012) và mới đây của Thanh tra Chính phủ (Kết luận số 1422/KL-TTCP ngày 6/6/2017) chỉ ra, sau khi UBND TP Hà Nội ký hợp đồng nguyên tắc đối với nhà đầu tư Gamuda Berhad, đã giao cho Sở TN&MT làm đại diện chủ đầu tư. Song không hiểu vì lý do gì, Sở TN&MT lại lờ nhiệm vụ được giao? Sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dự án này đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Chẳng hạn, tháng 3/2017, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, tổng số chi phí chênh lệch dự án lên tới hơn 147,8 triệu USD và hơn 20,6 tỷ đồng. Cơ quan này kiến nghị Tập đoàn Gamuda Berhad giảm giá trị quyết toán dự án thành hơn 61,9 triệu USD, trong đó yêu cầu nộp trả UBND TP Hà Nội hơn 22,1 triệu USD (hơn 480 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trước khi triển khai dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, Tập đoàn Gamuda Berhad đã thực hiện dự án cải tạo Công viên Yên Sở (từ tháng 12/2007 đến tháng 4/2009), với chi phí hơn 9,8 triệu USD. Song, việc lập phê duyệt triển khai thực hiện, giám sát thi công, hoàn công đều do nhà đầu tư tự triển khai và không có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm tra, thẩm định và phê duyệt về biện pháp thi công, khối lượng nạo vét thực tế, đơn giá!

“Đây là một dự án BT “vô tiền khoáng hậu”, điển hình cho việc nơi lỏng quản lý giám sát của các cơ quan chức năng”, Chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT Trần Kỳ Sơn nhận xét.

lo hong that thoat nghin ty tu du an bt

Đường trục phía Bắc Hà Đông do Tập đoàn Nam Cường thực hiện theo hình thức BT chưa bàn giao nhiều đoạn đã hỏng

Tài sản công phó mặc cho nhà đầu tư

Không riêng dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, kết quả kiểm tra 7 dự án BT đã hoàn thành tại Hà Nội (bao gồm: Bảo tàng Hà Nội, đường trục phía Bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, Trạm Xử lý nước thải Hồ Tây và tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên (đoạn qua Hà Nội với chiều dài hơn 4km) đều cho thấy tình trạng “sống chết mặc bay” tương tự.

“Về nguyên tắc, BT cũng phải được quản lý đầu tư công, bởi được trả bằng tiền, hay đất đều là tài sản chung của xã hội”, ông Sơn khái quát và phân tích: BT, BTO, BOT…, đều là hình thức hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư nhằm hợp tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Với BT, trong các quy định trước đây, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng xong chuyển giao cho Nhà nước và được Nhà nước thanh toán bằng tiền hoặc bằng đất (tại Việt Nam hầu hết được thanh toán bằng đất - thuộc sở hữu toàn dân).

Đơn cử tại Hà Nội, tính đến thời điểm cuối năm 2015, thành phố có 7 dự án BT được hoàn thành nói trên với tổng mức đầu tư khoảng 11.728 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án được Hà Nội “thanh toán” bằng gần 440ha đất đối ứng.

Với dự án đầu tư bằng ngân sách, quá trình thực hiện được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát từ khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi tới quyết toán công trình, bao gồm 4 giai đoạn.

Song, với dự án BT, cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát chi phí của dự án ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tới khi quyết toán giá trị hợp đồng dự án được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận trên cơ sở báo cáo quyết toán do nhà đầu tư lập được tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán. Còn khâu lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán và triển khai thi công đều do nhà đầu tư thực hiện và tự kiểm soát. “Ngay cả khi nhà đầu tư có tư vấn giám sát, thì cũng thường phục vụ người đi thuê là nhà đầu tư, nên việc nghiệm thu sẽ khó chính xác, nếu dựa vào báo cáo giám sát này”, ông Sơn nói.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận xét, cơ quan quản lý nhận thức không đúng, rằng BT là vốn của nhà đầu tư thì họ phải chịu trách nhiệm. Chính bởi vậy, trong hợp đồng của Hà Nội đã ký với nhà đầu tư dự án BT không hề quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng công trình đối với các hạng mục chung thuộc phần Nhà nước phải thanh toán tại dự án đối ứng.

Thực tế cũng cho thấy, dù dẫn đầu cả nước về số lượng dự án BT với giá trị mỗi dự án cả nghìn tỷ đồng, song Hà Nội hoàn toàn không có đầu mối, bộ máy, kinh phí tổ chức kiểm tra, giám sát.

Hoàng Ngân - Thảo Nguyên