|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lộ 'gót chân Asin' trong phát triển nóng

08:03 | 28/11/2018
Chia sẻ
Bão số 9 không đổ bộ trực tiếp vào đất liền song cũng đủ làm TPHCM liêu xiêu, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là làm lộ ra gót chân Asin của “đầu tàu kinh tế” của cả nước.
lo got chan asin trong phat trien nong
Các phương tiện dưới tầng hầm cao ốc Ảnh Đình Du

Người giàu cũng khóc

16 giờ chiều 26/11, nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM vẫn ngập sâu gần 1m. Hàng loạt ô tô chết máy ngổn ngang giữa đường. Theo ghi nhận của PV, tuyến đường Huỳnh Tấn Phát nối quận 7 với huyện Nhà Bè nhiều đoạn ngập sâu nửa mét dù vừa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng đường, thay hệ thống cống thoát nước đường kính lớn. Hàng loạt tuyến đường khác như Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Phan Huy Ích (quận Tân Bình), Lê Quang Định, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)… ngập sâu đến trưa 26/11 nước mới bắt đầu rút. Nhiều con hẻm trên đường Lê Đình Cẩn (quận Bình Tân) vẫn ngập gần 1 m.

Nước tràn vào nhà gây hư hại tài sản, đảo lộn cuộc sống của người dân. Trong khi đó nhiều chung cư bị thấm, dột. Nước mưa tràn vào nhiều căn hộ. Các chung cư cao cấp và chung cư mới bàn giao cùng chung cảnh ngộ, cư dân chỉ biết than trời.

Tại chung cư Citi home (quận 2), một số tầng ở block A bị nước mưa tràn vào. Chung cư cao cấp Saigonres Plaza (79-81 đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh) cũng bị thấm dột chỉ sau một đêm mưa lớn.

Tại chung cư Topaz City (đường Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8) người dân phải thức trắng đêm ngăn nước tràn vào nhà. Để ngăn nước, cư dân chung cư Jamona City (đường Đào Trí, quận 7) dùng keo silicon dán các khe cửa nhưng lực bất tòng tâm. Các cư dân chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú) và chung cư The Easter City (huyện Bình Chánh) cũng chịu chung cảnh ngộ. Mọi ngã đường đều ngập sâu khiến giao thông đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khu vực xung quanh Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), các đường đều ùn tắc kéo dài suốt nhiều giờ.

Nghiêm trọng hơn, nước tràn vào làm ngập nhiều tầng hầm. Đến chiều 26/11, các lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn đang “cứu” hàng trăm phương tiện bị nhấn chìm. Tầng hầm các trụ sở ngân hàng, khách sạn trên đường Phan Xích Long, Hoa Lan, Cù Lao (quận Phú Nhuận) còn ngập sâu, các nhân viên được nghỉ làm để khắc phục hậu quả.

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập là mưa quá lớn trong thời gian dài. Lượng mưa tại TPHCM có nơi đo được lên đến hơn 400mm kèm theo triều cường đạt đỉnh vào tối 25/11 khiến nước không thể thoát. Một nguyên nhân khác là do nhà cao tầng vẫn mọc lên dày đặc trong các khu trung tâm, hệ thống thoát nước không đảm bảo, các cửa sông bị bồi lấp không được nạo vét.

“Trận ngập được coi là lịch sử của TPHCM vừa qua một phần do thiên tai, một phần là nhân tai. Nhiều công trình chống ngập đầu tư hàng nghìn tỉ nhưng không phát huy hiệu quả, quy hoạch đô thị không khoa học, hệ thống thoát nước mưa và nước sinh hoạt cũng không đảm bảo”, ông Bá nói.

Bão số 9 đã gây đảo lộn mọi sinh hoạt, đời sống của người dân TPHCM. Để đảm bảo an toàn, ngành giáo dục đã cho gần 2 triệu học sinh nghỉ học trong ngày 26/11. Nhiều gia đình rơi vào thế khó. Bố mẹ đi làm, con nghỉ học không có người chăm. Nhiều phụ huynh buộc phải nghỉ làm ở nhà trông con.

Hai vợ chồng chị Xoan sinh sống ở TPHCM hơn chục năm nay và có một bé gái 5 tuổi đang học mầm non. Cả gia đình đang thuê trọ ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Chồng đi công tác xa, con được nghỉ học, chị Xoan gọi điện “cầu cứu” người thân giúp đỡ nhưng bất thành. Cuối cùng chị phải xin nghỉ làm để chăm con. Xóm trọ của chị Xoan cũng có 3 gia đình khác rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Đến tối 26/11, trước tình hình mưa lớn, triều cường dâng cao, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT đã có văn khẩn yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, THCS và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục ngưng mọi hoạt động giảng dạy, học tập. Theo ghi nhận của PV trong ngày 26/11, nhiều trường học ở TPHCM vẫn còn ngập nước.

Siêu thị cũng bị ảnh hưởng Bão số 9 đã làm 12 ha rau củ của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Lộc (huyện Củ Chi) bị ngập, hư hỏng. Ông Trần Quang Chánh, Chủ nhiệm HTX cho biết chỉ có thể cung cấp 50% sản lượng cho thị trường. HTX Phú Lộc đã ký kết với siêu thị giữ giá khi có thiên tai lũ lụt nên giá bán vào siêu thị vẫn ổn định nhưng các loại rau ăn lá tăng giá khoảng 15% do sản lượng giảm và nhiều khả năng nguồn cung rau củ sẽ còn thiếu hụt trong vài ngày tới do ảnh hưởng của mưa bão trên diện rộng. UYÊN PHƯƠNG

U.PHƯƠNG - NG. BÌNH - Đ.DU

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.