Lộ diện những 'ông lớn' là chủ đầu tư cây cầu tỷ USD tại Hà Nội
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng nối quận Long Biên với trung tâm TP. Hà Nội |
Một loạt các ông lớn lĩnh vực bất động sản như Vingroup, Sun Group, Him Lam đang theo đuổi quỹ đất tại một số vị trí ở phía Bắc Thủ đô. Trong đó, chủ yếu là các huyện Đông Anh, Gia Lâm và đặc biệt là quận Long Biên, đang được các đại gia quan tâm đặc biệt.
Trong khi đó, để có kinh phí xây dựng 4 cây cầu này, Hà Nội sẽ thực hiện theo hình thức BT, dự kiến sẽ phải thanh toán cho các nhà đầu tư quỹ đất là 836ha. Quỹ đất này thuộc địa phận của huyện Đông Anh, Gia Lâm và quận Long Biên, đều nằm ở khu vực phía Bắc Thủ đô. Được biết, tổng kinh phí để đầu tư xây dựng mới 4 cây cầu lớn này là 32.500 tỷ đồng (tương đương hơn 1,4 tỷ USD).
Nếu triển khai, quỹ đất này nằm rải rác tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh); các xã Yên Thường, Yên Viên, Dương Xá, Đông Dư, Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) và các phường Long Biên, Cự Khối (quận Long Biên) sẽ được phân bổ cho nhà đầu tư khi công trình được thực hiện.
Hiện tại, cả 3 “ông lớn” địa ốc SunGroup, VinGroup và Him Lam đều đã và đang có kế hoạch lớn phát triển các dự án BĐS lớn ở khu vực bên kia sông Hồng (thuộc huyện Đông Anh, Gia Lâm, quận Long Biên).
Trong khi SunGroup và VinGroup đã bắt tay triển khai một số dự án lớn ở Đông Anh, thì Him Lam vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị mặc dù tập đoàn này cũng đã nhắm đến quỹ đất khá lớn ở khu vực này.
Câu dây văng Nhật Tân bắc qua sông Hồng kết nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ |
Theo quy hoạch giao thông, dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn có điểm đầu nối với đường Nghi Tàm (khu Hồ Tây) và đường quy hoạch dọc đê Hữu Hồng kết nối với điểm cuối tại nút giao với đường Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Như vậy, cầu Tứ Liên và tuyến đường này sẽ chạy qua khu vực Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia của VinGroup. Dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2021.
Trong khi SunGroup đang triển khai xây dựng Dự án công viên Kim Quy, nằm tại giao lộ giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường 5 kéo dài thuộc địa phận huyện Đông Anh, có quy mô diện tích hơn 100ha. Dự án được xây dựng theo mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu. Công trình có tổng mức đầu tư 4.600 tỷ, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công kể từ khi khởi công hồi tháng 9/2016.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Him Lam cũng đã có kế hoạch thâu tóm quỹ đất lớn trước đó khi được giao làm BT dự án nút giao trung tâm quận Long Biên có tổng mức đầu tư 2.847 tỷ đồng. Theo đó, Him Lam được thanh toán bằng quỹ đất 20ha đất tại Dương Xá (Gia Lâm) 320ha đất tại các phường Long Biên và Cự Khối thuộc quận Long Biên. Dự án nút giao này đã hoàn thành vào đầu năm 2016.
Vị trí xây dựng cầu Tứ Liên qua sông Hồng |
Điều này đang tạo nên một cú hích mới cho bất động sản các khu vực xung quanh như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh. Giới đầu tư địa ốc cũng đã bắt đầu để mắt tới một số khu vực này, thậm chí có thể thấy đây là những đại gia sẽ được TP. Hà Nội lựa chọn làm chủ đầu tư cho một trong 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống.
Tại khu vực huyện Đông Anh, mặt bằng giá đất đã tăng cao hơn khoảng 30% so với cách đây 2 năm, đã có những tín hiệu giao dịch trở lại. Hiện những lô đất ở trục đường lớn có mặt bằng giá khoảng trên 30 triệu đồng/m2, đi sâu vào bên trong các khu dân cư mặt bằng giá dao động từ khoảng 15-20 triệu đồng/m2.
Ở một số khu vực như Tiên Dương, Nguyên Khê, Vĩnh Ngọc với sự xuất hiện của dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia đang triển khai xây dựng hay thông tin BRG ký kết hợp tác quy hoạch đô thị hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài, Sungroup xây dựng công viên Kim Quy… khiến nhà đất khu vực này được quan tâm, và giá tăng trở lại.
Tại huyện Gia Lâm, khu vực xã Dương Xá nơi Tập đoàn Him Lam sẽ có 20ha để xây dựng khu đô thị, với thông tin này giá đất nơi đây cũng đã có những chuyển động nhất định, theo khảo sát, giá hiện có giá khoảng từ 17 triệu/1m đến 20 triệu/1m tùy vào từng vị trí khác nhau, trước đây nhà đất vừng ven này khá thấp.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi dưới thấp đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng theo hình thức BT.
Dự án Xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở (đường Vành đai 2 trên cao) theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư khoảng 5.642 tỷ đồng, thời gian thực hiện 48 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng.
Đối với Dự án Đường Vành đai 2 trên cao, UBND Thành phố đã có Quyết định số 1502/QĐ-UBND ngày 9/4/2015 phê duyệt kết quả lựa chọn Tập đoàn Vingroup - CTCP là nhà đầu tư thực hiện dự án này theo hình thức hợp đồng BT. Hiện Dự án đang thực hiện thủ tục lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán đầu tư xây dựng công trình, chưa triển khai thi công.
Chưa biết cụ thể, nhà đâu tư nào trong số những tập đoàn nói trên sẽ đầu tư vào những cây cầu tỷ USD, tuy nhiên, với kế hoạch thâu tóm quỹ đất trùng với dự kiến lấy đất đổi hạ tầng mà UBND TP. Hà Nội nêu ra thì có thể thấy các nhà đầu tư làm dự an BT xây cầu qua sông đang dần được lộ diện.
Hiện, tại Hà Nội, đang có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, tuy nhiên với sự phát triển hơn lúc nào hết hạ tầng giao thông kết nối với trung tâm thành phố là vấn đề “cấp bách” cần phải giải quyết, khi thời gian gần đây thủ đô đang mong muốn có một thành phố ven sông hấp dẫn như nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới, thì việc xây dựng những cây cầu qua sông để kết nối là cần thiết.
Đất thổ cư phía Đông Hà Nội 'lên cơn sốt' sau tin xây 4 cây cầu
Thông tin Hà Nội dự định xây liên tiếp 4 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng từ nội thành theo hướng phía Đông và ... |