Lí do các ứng dụng kinh tế chia sẻ dẫn đầu nhóm startup sa thải nhân sự mùa dịch
Làn sóng sa thải nhân sự từ ứng dụng kinh tế chia sẻ
Layoffs.fyi là một website chuyên thống kê về số lượng nhân viên bị sa thải ở các startup trên thế giới. Theo thông số của website, kể từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh (11/3) tới nay, 493 startup trên thế giới đã cắt giảm nhân sự với con số lên đến 63.794 người.
Hàng loạt công ty đình đám thuộc mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện trong nhóm các startup sa thải nhân sự nhiều nhất, trong đó "gương mặt" nổi bật nhất là Uber.
Hôm 6/5, Uber sa thải một lúc 3.700 người và chỉ 12 ngày sau đó, hãng gọi xe tiếp tục nói lời chia tay thêm 3.000 nhân sự khác. Sau hai lần sa thải, tổng cộng 25% lực lượng lao động của Uber "mất việc".
Về bản chất, những người mất việc đều là những nhân viên thuộc khối vận hành bởi tài xế của Uber là "đối tác" chứ không phải người lao động của công ty.
Hai lượt sa thải của Uber chiếm luôn hai vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Layoff.fyi kể từ ngày 11/3. Đứng ngay sau là một cái tên đình đám không kém - GroupOn với 2.800 nhân viên mất việc hôm 13/4, tương đương 44% lực lượng lao động.
GroupOn từng tạo ra cơn sốt khi hoạt động theo mô hình mua chung (Business To Team - B2T) và được nhận định là mô hình thứ tư của ngành thương mại điện tử sau sau B2B (Business To Business), B2C (Business To Customer),C2C (Customer To Customer).
Mức định giá của GroupOn từng lên tới 10 tỉ USD ở thời điểm IPO vào năm 2011. Tuy nhiên hiện tại, giá trị công ty đã giảm nhiều lần. Sau đại dịch COVID-19, mức định giá có thể sẽ tiếp tục giảm.
10 đợt sa thải nhân viên có qui mô lớn nhất trong dịch COVID-19 thuộc về những cái tên đình đám khác thuộc lĩnh vực kinh tế chia sẻ như Airbnb (1.900 việc làm); Ola (1.400 việc làm) và Swiggy (1.100 việc làm).
Vì đâu nên nỗi?
Về mặt tổng thể, dịch bệnh khiến nhiều ngành kinh doanh tê liệt khi người dân gần như không ra ngoài. Bằng chứng là nhóm công việc liên quan đến ngành du lịch, vận tải là nhóm có số lượng nhân sự bị sa thải nhiều nhất.
Vận tải, giao nhận và du lịch cũng là nhóm ngành xuất hiện nhiều startup kinh tế chia sẻ. Vì thế, những nhân viên của các startup kinh tế chia sẻ trở thành "vật tế thần" và buộc phải mất việc.
Nền "kinh tế chia sẻ" xoay quanh việc chia sẻ nguồn tài nguyên giữa người thừa và người thiếu. Dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế tối đa việc tiếp xúc, do đó việc "chia sẻ" cũng trở nên dè dặt hơn.
Một bài viết trên tờ South China Morning Post vào cuối tháng 5 tiết lộ việc các buồng karaoke chia sẻ ở Trung Quốc đã trở nên vắng khách đến lạ thường. Hầu như không ai dám sử dụng lại buồng karaoke mà một người khác từng ngồi hát.
Didi, ứng dụng gọi xe công nghệ lớn nhất Trung Quốc, cũng chịu tác động khi số người dùng hàng ngày giảm gần 60% so với cùng kì năm trước, theo dữ liệu từ QuestMobile.
Tại Việt Nam, dù thời gian giãn cách xã hội ngắn hơn so với các nước khác, nhưng trong thời gian cách li xã hội, các ứng dụng gọi xe hầu như cũng không được phép hoạt động. Các mảng gọi xe hai bánh, bốn bánh đều bị cấm và chỉ mở mảng giao hàng, đặt đồ ăn.
Một trong những lí do khác buộc các ứng dụng kinh tế chia sẻ gặp khó, đó chính là dòng tiền. Không giống như nhiều startup truyền thống, thường các ứng dụng kinh tế chia sẻ thời gian đầu phải mất rất nhiều tiền để tăng trưởng. Do đó nhiều startup hiện vẫn chưa thể có dòng tiền dương, thậm chí là lỗ rất lớn.
Chính vì thế khi đại dịch ập đến doanh thu giảm sâu, loại bớt nhân sự gần như là việc đầu tiên mà các ứng dụng kinh tế chia sẻ nghĩ đến. Google, Spotify sẵn sàng chi tiền cho nhân viên mua dụng cụ làm việc tại nhà, trong khi Uber hay Airbnb không đủ sức mạnh tài chính để thực hiện việc đó.
Tại Việt Nam, một ứng dụng kinh tế chia sẻ đã "chết" trong dịch bệnh là WeFit. Trên thực tế, WeFit đã bộc lộ nhiều dấu hiệu không tốt về dòng tiền từ trước đó. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến ban quản trị công ty không thể gượng dậy và tuyên bố phá sản.
Các ứng dụng kinh tế chia sẻ thành công về mặt tài chính, nếu có, hiện cũng rất hiếm và ở qui mô chưa đủ lớn để gây tiếng vang. Dịch COVID-19 khiến nhóm những ứng dụng này suy giảm doanh thu và phải sa thải nhân viên. Phải chăng đây là lúc để nhóm ứng dụng kinh tế chia sẻ nghĩ về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế hơn để tồn tại và phát triển?
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/