|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lập tổ công tác 'giải cứu' đường sắt Cát Linh - Hà Đông

17:10 | 02/06/2020
Chia sẻ
Bộ GTVT và Hà Nội thống nhất thành lập tổ công tác để xây dựng kế hoạch, giải pháp hoàn thành những nhiệm vụ cuối cùng để sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động.
Lập tổ công tác 'giải cứu' đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 1.

Bộ GTVT và Hà Nội thống nhất thành lập tổ công tác để xây dựng kế hoạch, giải pháp hoàn thành những nhiệm vụ cuối cùng để sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo Bộ trưởng, dự án đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác. Dự án hiện vẫn còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán....

Cụ thể, đối với công tác xây lắp nhà ga và đơn thể Depot, 2/5 hạng mục công trình xây dựng có thể nghiệm thu có điều kiện là công trình đường ray và cầu cạn. 3 hạng mục công trình còn lại chưa đủ điều kiện nghiệm thu vẫn đang được tổng thầu chỉnh sửa và khắc phục phần kiến trúc.

Hay với hạng mục thiết bị, tổng thầu, tư vấn TEDI, tư vấn ACT vẫn đang tiếp tục trao đổi làm việc để thống nhất các nội dung còn vướng mắc về thông số thiết bị của một số hạng mục chuyên ngành thiết bị. Ban QLDA Đường sắt đang phối hợp với Tổng thầu để nghiệm thu có điều kiện đối với các hạng mục công trình thành phần không ảnh hưởng đến công tác an toàn…

Trước tình hình trên, tư lệnh ngành cho biết, UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đã thống nhất thành lập tổ công tác để xây dựng kế hoạch, giải pháp hoàn thành những nhiệm vụ cuối cùng của dự án để sớm đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Cũng theo Bộ trưởng, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã có nhiều chủ trương nhằm hạn chế tình hình lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc hạn chế di chuyển, thực hiện cách ly đối với những người tiếp xúc gần với người dương tính với COVID-19, hạn chế họp hành, làm việc trực tiếp tại công sở…

Trong khi đó, thực tế công việc triển khai các dự án giao thông cần được thường xuyên kiểm tra hiện trường, có sự tương tác trực tiếp giữa cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý dự án cũng như các đơn vị tư vấn, nhà thầu…do đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các dự án.

Hiện Bộ GTVT đang thống kê đánh giá các tác động của COVID-19 đối với tình hình thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Một số dự án đang chậm tiến độ, điển hình là dự án Cát Linh - Hà Đông tiếp tục kéo dài thời gian đưa vào khai thác do các kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật người Trung Quốc chưa thể quay lại Việt Nam sau dịch COVID-19.

Đáng lưu ý, vừa qua phía tổng thầu đưa ra nhu cầu cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Tuy nhiên, Ban QLDA Đường sắt nêu rõ quan điểm, việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định Hợp đồng EPC.

Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện các dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí nguồn vốn cho các dự án trọng điểm của ngành GTVT, đặc biệt là các dự án ODA, để tạo điều kiện sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng các dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Luân Dũng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.