|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lao động Việt có thu nhập 5,5 triệu đồng một tháng, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia

11:13 | 01/09/2022
Chia sẻ
Người lao động Trung Quốc làm việc tại các công ty Nhật Bản được hưởng mức lương tốt nhất với 493 USD/tháng (khoảng 11,5 triệu đồng), trong khi Việt Nam là 236 USD (khoảng 5,5 triệu đồng).

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã công bố báo cáo nghiên cứu thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022.

Theo JICA, mặc dù biên độ thu nhập ở Việt Nam đang tăng lên nhưng so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, mức lương trung bình của Việt Nam vẫn còn thấp với lực lượng lao động dồi dào và dân số trẻ. 

Cụ thể, trong số các công ty được khảo sát, người lao động Trung Quốc làm việc tại các công ty Nhật Bản được hưởng mức lương tốt nhất với 493 USD/tháng (khoảng 11,5 triệu đồng), tiếp theo là Thái Lan với 446 USD (10,4 triệu đồng), đứng thứ ba là Malaysia với 414 USD (khoảng 9,7 triệu đồng)

Người lao động Việt Nam có mức thu nhập tương đương với Phillippines là 236 USD (5,5 triệu đồng) và chỉ hơn Campuchia, Lào, Myanmar. 

 

JICCA cho hay dưới tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng có xu hướng chọn Việt Nam làm địa điểm hấp dẫn thay vì Trung Quốc đối với cả các ngành sản xuất và phi sản xuất, tuy nhiên mục tiêu vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng thấp.

"So sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc, mục đích mở rộng sang Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng thấp như sản xuất hàng tổng hợp hoặc để khai thác các thị trường như “bán hàng”.

Đối với các mục đích yêu cầu lực lượng lao động chất lượng cao như nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm giá trị cao, Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế so với Việt Nam.

Có nhiều lý do có thể giải thích cho hạn chế này của Việt Nam như cơ sở hạ tầng hay chính sách. Tuy nhiên, yếu tố đầu tiên cần quan tâm là yếu tố về nguồn nhân lực như lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng lao động", báo cáo nêu.

Trong 5 ngành được doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư vào các nước châu Á nhiều nhất, Việt Nam chỉ chiếm ưu thế ở lĩnh vực bán lẻ và sản xuất đại trà. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật có xu hướng mở rộng đầu tư vào Trung Quốc ở các lĩnh vực như nghiên cứu, phát triển; sản xuất sản phẩm giá trị cao và logistics.

 

Báo cáo cũng cho biết chi phí nguồn lao động thấp được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam so với các nước Đông Nam Bộ và Trung Quốc. 

Trong số các lý do mở rộng kinh doanh sang Việt Nam trong năm 2019, 40,9% doanh nghiệp được khảo sát trả lời về yếu tố chi phí lao động và nguồn nhân lực, đứng thứ ba là yếu tố thị trường và quan hệ với Nhật Bản.

Tuy nhiên, chỉ có 19,6% công ty đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này cho thấy đối với các công ty Nhật Bản, nguồn nhân lực ở Việt Nam có thể cạnh tranh bằng giá chứ không phải bằng chất lượng. 

Nói về các giải pháp, JICA cho biết sẽ thúc đẩy sự phát triển của trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, song song với việc xem xét hỗ trợ và cố vấn xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Đồng thời sẽ có những sáng kiến tăng cường năng lực hệ thống giáo dục đại học, hỗ trợ nâng cao năng lực đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ chốt,...

Cơ quan này khuyến nghị một số ngành ưu tiên hỗ trợ về nguồn nhân lực chất lượng như: Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thông tin và số hóa; môi trường và công nghệ xanh; chăm sóc sức khỏe; xây dựng dân dụng và giảm dần đầu tư nhân lực vào ngành nông nghiệp. 

JICA cũng đưa ra khuyến nghị với từng tỉnh, thành có vốn FDI lớn từ Nhật Bản.

Cụ thể, tại Hà Nội, cần tiếp tục các dự án hiện tại về giáo dục đại học, mở rộng phát triển mô hình KOSEN và cân nhắc dự án mới về tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với các trường giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tại Hải Phòng, nên tập trung vào ngành cơ khí chế tạo - công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, gợi ý khác có thể là phát triển nền tảng thông tin thị trường lao động để dự báo và kết nối cung - cầu lao động.

Đà Nẵng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho định hướng phát triển thành phố thông minh, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. 

Tại Cần Thơ, cần củng cố sự phát triển của ĐH Cần Thơ với trọng tâm là tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành liên quan tới phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản.

Tại TP HCM, JICA khuyến nghị thúc đẩy quốc tế hóa chương trình giáo dục đại học, tập trung vào các ngành y tế - nhân lực chăm sóc, điều dưỡng.

Tại Đồng Nai, nên xem xét các chương trình phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao cho ngành hàng không trong tương lai, gắn với sự hình thành của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hồng Hà