Lao động trên 35 tuổi tại các doanh nghiệp FDI dễ bị sa thải
Trong 100 đồng tiền thuế, doanh nghiệp FDI chỉ góp 25 đồng |
Tình trạng sa thải người lao động trên 35 tuổi diễn ra ngày càng nhiều tại các doanh nghiệp FDI. Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, tình hình sa thải người lao động trên 35 tuổi diễn ra ngày càng nhiều tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội trong tương lai; vấn đề tìm kiếm, bố trí việc làm mới cho người lao động; tạo tâm lý bất an xã hội và có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực khác.
Lý giải thực trạng này, ông Hiểu cho rằng một số ngành nghề đã không còn phù hợp với lao động sau 35 tuổi. Bên cạnh đó, với chính sách lương hiện hành, doanh nghiệp sẽ phải trả lương cao cho những người có thâm niên cao và đương nhiên có mức đóng bảo hiểm xã hội cao, điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Một số lao động sau tuổi 35 không đáp ứng được yêu cầu công việc, trong khi nguồn lao động trẻ còn khá dồi dào cũng là một lý do được đại diện Tổng Liên đoàn lao động đưa ra.
Ông Ngọ Duy Hiểu |
Theo ông Hiểu, để sa thải người lao động, doanh nghiệp đã tìm nhiều cách, nhiều lý do như tạo áp lực công việc để người lao động không dễ hoàn thành, có doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động mà không có lý do cụ thể.
Kết quả nghiên cứu đưa ra một số nguyên nhân chính dẫn đến chấm dứt quan hệ việc làm cho thấy: 39% do áp lực công việc (tăng ca, định mức cao); 13,4% công việc nặng nhọc, nguy hiểm; 8,4% bị quấy rối tình dục; 16,4% bị chửi mắng, phân biệt đối xử; 15,1% sức khoẻ không đảm bảo, mất sức lao động; 12,6% bị thôi việc, bị đuổi không lý do.
Ông Hiểu cho biết, hiện nay có tới 1,5% lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI không có hợp đồng lao động.
Ngoài ra, theo phản ánh từ cơ sở, có một số chủ sử dụng lao động đã ký kết các hợp đồng với người lao động để làm một số công việc thường xuyên, nhưng để tránh nộp bảo hiểm xã hội, họ đã ký thành các loại hợp đồng dịch vụ, tư vấn, cộng tác viên.
Ở nhiều doanh nghiệp, tình trạng ký quá 2 lần hợp đồng lao động có thời hạn (lẽ ra phải chuyển thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn) cũng là vấn đề hết sức quan ngại, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp FDI chưa nghiêm túc thực hiện các cam kết trong hợp đồng, vi phạm quyền lợi người lao động, dẫn đến tranh chấp lao động hoặc ngừng việc tập thể.
Hiện nay, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang có những đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo đó, tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm khoảng 25%, đóng góp trên 20% vào GDP.
Đây cũng là khu vực nộp ngân sách chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách, chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với tỷ lệ khoảng 71%.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2017, có khoảng hơn 14.600 doanh nghiệp FDI, sử dụng hơn 3,6 triệu người, chiếm 26% tổng số lao động khu vực doanh nghiệp (trong đó nam chiếm 35,18%, nữ chiếm 64,72%). Doanh nghiệp FDI sử dụng từ 10 lao động trở lên có 13.786 doanh nghiệp, chiếm 10,5%.
Đại diện Tổng liên đoàn lao động cho rằng cần có các chính sách cụ thể để bảo vệ nhóm người lao động yếu thế, hạn chế tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, đặc biệt tại các doanh nghiệp FDI.
Theo đó, Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành các quy định của pháp luật thằm thắt chặt, hạn chế tình trạng doanh nghiệp FDI sa thải người lao động sau tuổi 35. Cần có quy định và mở rộng quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện khi lao động bị sa thải sau tuổi 35.
Ngoài ra, ông Hiểu cho rằng cần có chính sách tổng thể đối với người lao động bị mất việc làm, đồng thời thúc đẩy hoạt động truyền thông để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người lao động trong tìm kiếm việc làm.
Xem thêm |
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói gì về việc sa thải hàng loạt lao động ở tuổi 35?
-
Cải cách tiền lương cần cẩn trọng, không gây sốc cho số đông người lao động
-
Năng suất lao động nhiều ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam xếp sau Campuchia
-
Phó tổng giám đốc Samsung lý giải nguyên do năng suất lao động Việt Nam thấp