Lãnh đạo EU bất đồng ý kiến về gói cứu trợ COVID-19
Theo đưa tin từ CNBC, các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung sau 3 ngày liên tiếp làm việc và bàn luận về gói cứu trợ liên quan đến COVID-19.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhắc nhở các lãnh đạo trong buổi họp rằng dã có hơn 600.000 người thiệt mạng vì dịch bệnh và đây là thời điểm mọi người nên cùng nhau đối mặt với những khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, ông Michel cũng hi vọng đại diện 27 quốc gia thành viên đạt được một thỏa thuận sau 3 ngày làm việc không ngừng nghỉ. Cụ thể, các quốc gia đang mâu thuẫn về việc tạo ra một quĩ phục hồi khổng lồ để kéo châu Âu thoát ra khỏi khủng hoảng.
Tuy nhiên, một số đại diện cho biết họ có thể sẽ rời Hội nghị và trở lại với một thỏa thuận mới vào tháng tới.
Hiện tại, theo kế hoạch dự kiến sẽ đưa ra gói cứu trợ trị giá 1.800 tỉ euro cho ngân sách dài hạn của EU và quĩ phục hồi kinh tế. Ủy ban điều hành EU đang kêu gọi gây quĩ 750 tỉ euro và phần lớn sẽ được bơm vào các nước chịu thiệt hại lớn trong dịch bệnh bên bờ Địa Trung Hải.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng sẽ tốt hơn nếu các nhà lãnh đạo cân nhắc về một gói cứu trợ riêng lẻ hơn là việc phải đạt được thỏa thuận chung bằng mọi giá.
"Quyết định cứu trợ của các lãnh đạo nên tham vọng hơn, đặc biệt về qui mô và thành phần của gói cứu trợ, ngay cả khi mất thêm một chút thời gian", bà Lagarde cho biết.
Trong khi đó, một nhóm các quốc gia giàu có ở Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan cũng như Áo, Hà Lan lại muốn thu hẹp quĩ cứu trợ.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã cáo buộc Hà Lan và một số đồng minh trên và gọi đây là một vụ "tống tiền".
Phía Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte đang ở thế khó khi cử tri trong nước phẫn nộ cho rằng Hà Lan là một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách châu Âu.
Các nhóm quốc gia phía Bắc đã phủ quyết gói cứu trợ trị giá 400 tỉ euro và trước đó là 500 tỉ euro. Thay vào đó, các nhóm nước này cho rằng quĩ cứu trợ ở mức 350 tỉ euro là tối đa.