Làm giàu: Giấc mơ hay nỗi ám ảnh
Khái niệm giàu, nghèo khá trừu tượng đã được ông bà ta diễn đạt bằng nhiều kiểu nói cụ thể hàm nhiều ý khác nhau. Câu “Người ăn không hết, kẻ lần không ra” như lời than vãn, nỗi ám ảnh về một khao khát khó vươn tới. Còn câu “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời” như lời động viên về một giấc mơ sẽ có lúc đạt được. Chuyện giải độc đắc 759 triệu USD, tức khoảng 17.000 tỉ đồng, của Powerball ở Mỹ vừa có người trúng là một giả định.
Nỗi lo chưa giàu đã già
Nói về trúng số đổi đời khi đang bàn chuyện làm giàu nghe khiên cưỡng, nhưng lại gợn nhiều suy nghĩ. Những “kẻ lần không ra” trong câu nói của người xưa, khi so sánh với kẻ có của, thường tự than mình chưa giàu đã già. Rồi càng chứng kiến xã hội đang nổi lên lớp “giàu trước tuổi”, tức thế hệ chưa già đã giàu, điển hình là 68 tỉ phú đô la trẻ của thế giới, chỉ từ 20 đến 40 tuổi, họ càng thấy nỗi ám ảnh đồng tiền ấy lớn hơn.
Nói về giàu, nghèo, đời có 4 mẫu. Người nghèo là dân thu nhập thấp, không biết cách sử dụng đồng tiền. Kẻ sẽ nghèo là những ai kiếm được nhiều tiền nhưng không biết biến báo với chúng. Tay sẽ giàu là những công dân thu nhập không cao nhưng biết cách sử dụng đồng tiền. Cuối cùng, nhóm chắc chắn sẽ giàu, là những người vừa thu nhập dồi dào vừa biết cách sử dụng đồng tiền. Thế nên, trước khi đánh giá xem giàu có với mình là một giấc mơ hay là nỗi ám ảnh, hãy thử nhận định ta đang thuộc mẫu người nào.
Có một điều như đã thành quy ước bất thành văn “có già mới giàu”, bởi tài sản luôn có cách tích lũy dày lên theo số tuổi, thế nên giàu về già là viên mãn. Sống cần mẫn làm việc, tiết kiệm tuy mất thời gian nhưng giấc mơ giàu sang vẫn có thể thành hiện thực ở một mức độ nào đó. Còn nỗi ám ảnh vì mình chưa giàu đã già sẽ là động cơ thôi thúc con người ta sống giả, sống ảo.
Sự thực hiện nay ở nước ta, thành đạt trong mắt nhiều bạn trẻ là mong chóng có nhà, có xe, có bồ đẹp, thu nhập khủng và được gọi là thiếu gia, đại gia. Ngay các tân sinh viên cũng luôn mang cảm giác sợ nghèo, sợ thất thế nên trong đầu cứ luẩn quẩn những phạm trù vật chất nhất, đó là săn công việc thu nhập tốt, tiến thân mau để “bằng anh bằng chị”. Thế thì thử hỏi vì sao họ không dễ mụ mị vì các câu nói khích như “35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn”, không quay cuồng mất hướng giữa rừng những gương mặt thành đạt?
Chắc có lẽ những ai lo chưa giàu đã già phải chịu khó lấy câu nói của tỉ phú Lý Gia Thành làm kim chỉ nam: “Khi bạn nghèo, hãy ở nhà ít hơn và ra ngoài nhiều hơn. Khi bạn giàu có, hãy ở nhà nhiều hơn và ít ra ngoài hơn. Nếu là người nghèo, bạn nên chi tiền cho người khác, khi đã là người giàu, bạn mới chi tiền cho chính mình”. Họ còn phải trân trọng cả quỹ thời gian của mình, là thứ mà các tỉ phú luôn thấy thiếu. Để thực hiện giấc mơ giàu có, còn nhiều việc phải làm nữa. Đó là lấy thất bại làm mẹ thành công, khao khát trở thành người dẫn đầu, tìm sự đơn giản hết mức trong hành động, đeo đuổi mỗi lúc một mục tiêu, không để yếu kém nhỏ tồn tại lâu, kịp thời dọn sạch, tống khứ những yếu tố tiêu cực, duy trì tính cạnh tranh cao và học cách suy nghĩ độc lập không a dua.
Nỗi ám ảnh từ lứa thiếu gia giàu trước tuổi
Là người bình dân ai cũng có thể ganh tỵ với những tiểu phú gia kể trên nhưng chắc chắn phải ngưỡng mộ thán phục nhóm triệu phú “giàu trước tuổi” dưới đây. Chúng là những đứa trẻ tài năng đã làm việc cật lực thực sự để trở thành giàu có ngay khi tuổi còn rất non tơ. Jaylen Bledsoe lập công ty riêng chuyên tư vấn về công nghệ thông tin ở tuổi 12 và đã là triệu phú đô la rất sớm. Nick D’Aloisio mới 17 tuổi đã có cơ nghiệp 30 triệu USD từ phát triển ứng dụng đọc tin tức Summly được Yahoo mua lại. Nữ diễn viên nhí được đề cử giải Oscar Abigail Breslin kiếm được 12 triệu USD từ các bộ phim. Làm giàu nhờ diễn xuất như Breslin còn có chị em Dakota Fanning, cậu bé Jaden Smith hay Rico Rodriquez… Các tỉ phú nhí đã bắt đầu bằng một giấc mơ hơn là xuất phát bằng một mục đích và tận dụng quỹ thời gian tuổi trẻ để giàu nhanh hơn cha mẹ mình. Vấn đề bây giờ chỉ là cách giữ tiền và tiêu tiền.
Đừng huyễn hoặc rằng người giàu không khóc !
Lâu lắm rồi những bộ phim truyền hình Người giàu cũng khóc hay Nước mắt người giàu chưa được chiếu lại nhưng những hoạt cảnh tương tự vẫn cứ diễn ra thường xuyên ở đời thường rồi xuất hiện đầy rẫy trên mạng tin tức. Nói theo Ben Mezric, tác giả tiểu thuyết The Social Network đã được chuyển thể thành phim, nếu gạt đồng tiền sang một bên, những tỉ phú cũng có những vấn đề trong đời sống giống như bất kỳ một người bình thường nào. Chỉ có điều, vì họ giàu nên đồng tiền có sẵn càng tác động mạnh khiến nhiều khi nước mắt họ hay phải chảy hơn người “nghèo”.
Giọt nước mắt đầu tiên trên má người giàu là do sở hữu quá nhiều tiền nên nỗ lực duy trì hôn nhân luôn là một thử thách lớn. Nhiều người bình thường không dễ trút bỏ một cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc dù rất muốn, chỉ vì việc ly hôn quá tốn kém và phiền phức. Tuy nhiên, chuyện ấy với người giàu quá đơn giản bởi tiền bạc không là gì đối với họ.
Giọt nước mắt kế tiếp là vấn đề giữa bố mẹ tỉ phú và con cái. Trẻ trong gia đình giàu có luôn phải đối đầu với nhiều vấn đề hơn con cái người bình dân. Đồng tiền dư dả thường tước đi của chúng sự nỗ lực vốn là sức mạnh từng giúp bố mẹ chúng thông minh, liều lĩnh vươn lên để thành công.
Chính vì vướng mắc đó, một số tỉ phú như Bill Gates, Warrent Buffet, Mark Zuckerberg hay Rubenstein đã công bố ý định không muốn con cái thừa hưởng gia tài, dù các quyết định ấy được đưa ra thật cũng chẳng dễ dàng gì đối với họ.
Có người nói “Thứ gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”. Thế nên, với tâm lý "cả họ được nhờ", khi một người giàu có không chi tiền ra giải quyết được một khó khăn gì đó cho ai, họ sẽ bị chỉ trích, trách móc, từ đó bạn bè, thân thuộc sẽ né dần đẩy họ đến tình thế cô đơn. Nhìn vào mặt khác, đồng tiền của người siêu giàu có sức thu hút rất nhiều người tuôn đến khiến chính họ tự nhiên bị đố kỵ, bất an về tính mạng và rất khó để nhìn ra ai là người bạn thực sự.
Kẻ nghèo “chết” thì người giàu cũng “băng hà”, cả hai đều giống nhau, nhưng giấc mơ hay nỗi ám ảnh trở thành giàu có vẫn cứ khác biệt. Việc đầu tiên bà Mavis Wanczyk làm khi trúng số Powerball 759 triệu USD là… báo ngay với sếp sẽ nghỉ việc. Nếu là ta, cứ làm theo, vì mình đã giàu? Giữ tiền là quyền mỗi người, nhưng nên bình tâm ngẫm nghĩ câu nói của tỉ phú số một thế giới, Bill Gates, mà sống là đủ: “Sinh ra trong nghèo khó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu chết đi trong khó nghèo thì hãy tự trách chính mình”.
Danh sách tỉ phú danh giá thế giới
Danh sách năm 2017 tạo ra hai kỷ lục: lần đầu tiên con số tỉ phú vượt qua mốc 2.000 và có đến 227 nữ tỉ phú. Tổng tài sản của 2.043 người là 7,67 nghìn tỉ USD. Gia tài của 8 cái tên đầu bảng đã bằng nửa tài sản của nhân loại và Bill Gates lần thứ 18 chiếm ngôi đầu trong 23 năm. Tuy nhiên, điều nhiều người thắc mắc là Forbes đã làm thế nào để lên được “bảng vàng” ấy?
Mỗi năm, tạp chí này thuê một đội ngũ hơn 50 nhà báo từ khắp các quốc gia giúp họ định giá tài sản của những cá nhân giàu có trên thế giới. Trước tiên, Forbes gửi đến các đại phú gia một bản tự đánh giá về tài sản của mình. Tuy nhiên, tạp chí không trông mong gì nhiều về những phản hồi. Có người gửi về các con số thổi phồng quá đáng những gì mình sở hữu, kẻ khác lại nói chung chung không khai chi tiết và cũng có người né tránh, tử chối, chẳng muốn ai soi mói vào “hầu bao” nhà mình. Thế là Forbes lại phải tự tiến hành điều tra đánh giá thêm trước khi lên danh sách.
Những thứ tài sản cá nhân Forbes đưa vào “tầm ngắm” là giá trị cổ phiếu, tài khoản ngân hàng, đất đai, nhà cửa, xe cộ, tác phẩm nghệ thuật… sau khi đã trừ thuế. Các công ty tư nhân được định giá theo tỷ lệ giá bán hoặc tỷ lệ giá thu nhập hiện hành. Những khoản nợ công khai sẽ được trừ đi để có ước tính giá trị tài sản cuối cùng khi “chốt” danh sách.
Những biến động chứng khoán thay đổi liên tục cũng làm khó cho ê kíp điều tra đánh giá của Forbes nên họ chỉ dựa vào chỉ số của tháng 3 mỗi năm để “gút” lại. Tài sản của các thành viên hoàng gia hay của các nhà độc tài dựa vào chức quyền mà có không được tính. Ở trường hợp các gia đình có nhiều thành viên, chỉ những ai có tài sản hơn 1 tỉ USD mới được lọt vào danh sách.
Có những cái tên Forbes đánh giá sự giàu có của họ không khó, chẳng hạn như gia tài của Mark Zuckerberg, vì nó đã công khai hết ở cổ phiếu Facebook. Thế nhưng, với các tỉ phú như Donald Trump lại chẳng dễ, vì tài sản của ông còn nằm lẫn lộn, chung đụng với các đối tác bất động sản mà ông bắt tay kinh doanh.
Từ khi thị trường công nghệ thông tin bùng phát cũng là thời gian Forbes làm việc vất vả hơn với danh sách tỉ phú hằng năm. Bởi con số các đại phú gia có mặt năm nay rồi năm sau biến mất ngay do khủng hoảng tài chính toàn cầu không hề nhỏ, mà năm xáo trộn nhất là 2009.
9X Singapore làm giàu nhờ bán khoai tây chiên Sau khi du học Australia, Hasif Othman (26 tuổi, đến từ Singapore) mở cửa hàng kinh doanh khoai tây chiên và bước đầu đạt được ... |
15 nguyên tắc để trở thành tỷ phú của ông chủ Amazon CEO Amazon, tỷ phú giàu thứ 5 thế giới, Jeff Bezos đã dành cả nửa cuộc đời mình để gây dựng và phát triển Amazon ... |
7 ngộ nhận phổ biến về cách làm giàu Có thể bạn chưa giàu vì bạn đang bó buộc suy nghĩ của mình trong những ngộ nhận mà bạn được nghe, được dạy dỗ ... |