Làm gì để hút vốn nước ngoài vào hệ thống Truyền tải điện ?
Trong những năm qua, nguồn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).
Đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu. Ảnh: TTXVN |
EVNNPT cho biết, từ khi thành lập năm 2008, Tổng công ty tiếp nhận lại một số dự án vay vốn ODA từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tổng số vốn ODA ký kết theo hiệp định khoảng 850 triệu USD.
Cho đến nay, tổng luỹ kế vốn vay ODA đa phương và song phương ký kết theo hiệp định của EVNNPT đã lên tới 2,6 tỷ USD (bao gồm cả các khoản vay lẫn hỗ trợ kỹ thuật), tăng 3,1 lần so với thời điểm mới thành lập Tổng công ty và chiếm khoảng 51% tổng đầu tư của EVNNPT cho hệ thống truyền tải điện giai đoạn 2008-2018.
Trong đó, đứng đầu về quy mô và tổng số vốn tài trợ là Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng số vốn tài trợ tương đương 1,15 tỷ USD. Tiếp đó là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tương đương 944 triệu USD. Tiếp sau lần lượt là Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) với 184 triệu USD, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) 174 triệu USD và Cơ quan Phát triển Pháp (AfD) là 138 triệu USD.
Đánh giá của EVNNPT cho thấy, nhìn chung, nguồn vốn vay ODA đã hỗ trợ rất tích cực cho Tổng công ty trong việc mở rộng, nâng cấp hệ thống truyền tải điện cả về quy mô lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống an toàn, liên tục, ổn định, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, bằng việc thực hiện các dự án với nguồn vốn vay ODA và các hỗ trợ kỹ thuật đi kèm hoặc không đi kèm dự án, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân vận hành trực tiếp của EVNNPT liên tục được tăng cường năng lực, kinh nghiệm, cập nhật công nghệ mới do có cơ hội làm việc, cọ sát thực tế với các chuyên gia quốc tế, các cán bộ dự án của các nhà tài trợ và các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước.
Kết quả thực hiện các dự án sử dụng vốn vay ODA của EVNNPT trong những năm qua được các nhà tài trợ đánh giá là hiệu quả với tỷ lệ giải ngân tương đối tốt, cơ bản đáp ứng tiến độ về thu xếp vốn và triển khai các dự án, đảm bảo các mục tiêu đầu ra của các dự án . Đây cũng là cơ sở để các nhà tài trợ xem xét tiếp tục cho EVNNPT vay trong thời gian tiếp theo.
Với chủ trương xuyên suốt từ EVN là tận dụng tối đa nguồn vốn ODA với các điều kiện vay ưu đãi như lãi suất vay thấp, thời gian trả nợ và thời gian ân hạn dài để đầu tư phát triển hệ thống điện nói chung và hệ thống truyền tải điện nói riêng, đặc biệt trong các thời điểm thị trường vốn trong nước và quốc tế gặp khó khăn, EVNNPT đã duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với các tổ chức tín dụng đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và với các cơ quan đại diện các chính phủ cung cấp nguồn vốn song phương như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AfD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Công ty Truyền tải điện 3 thi công Trạm biến áp 220kV Krông Búk. Ảnh: TTXVN |
Có thể nói, trong vòng 10 năm qua nguồn vốn ODA đã giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể cho quá trình đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia. Bên cạnh đó, những hỗ trợ kỹ thuật dưới dạng tiền vay và viện trợ không hoàn lại của các nhà tài trợ đã giúp cho EVNNPT tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại và tăng cường năng lực trên nhiều mặt. Vì vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2025, EVNNPT vẫn tiếp tục vận động nguồn vốn ODA để giải quyết nhu cầu vốn đầu tư hàng năm.
Giai đoạn tiếp theo, khi Việt Nam được xếp thứ hạng cao hơn trên bản đồ quốc tế, nguồn vốn ODA sẽ dần bị thu hẹp, EVNNPT sẽ tập trung nâng cao hiệu quả việc sử dụng và quản lý nguồn vốn này để phát huy tối đa đặc tính ưu đãi (lãi suất vay thấp, thời gian vay dài, cam kết cao) và tận dụng ưu thế là đơn vị chịu trách nhiệm phát triển cơ sở hạ tầng điện được ưu tiên sử dụng vốn ODA.
Do vậy, trong những năm tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục vận động và sử dụng nguồn vốn vay ODA từ các nhà tài trợ truyền thống, vốn vay ưu đãi nước ngoài với lãi suất thấp và thời gian vay dài cho đầu tư xây dựng các dự án đường dây và trạm.
Với định hướng này, giải pháp được Tổng công ty đưa ra là: Xây dựng chương trình hợp tác trong từng giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm dựa trên chiến lược phát triển quốc gia và phát triển ngành, cập nhật các chương trình này hàng năm.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức tín dụng đa phương và song phương truyền thống của EVNNPT thông qua việc tăng cường năng lực quản lý và hiệu quả sử dụng vốn ODA của các tổ chức này. Đặc biệt chú trọng cải thiện hiệu quả thực hiện tại các khâu đấu thầu, giải ngân, đền bù giải phóng mặt bằng, lập kế hoạch, quản lý tài chính và thu xếp vốn của các dự án. Hiệu quả thực hiện các khoản vay hiện tại sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà tài trợ xem xét phê duyệt các khoản vay tiếp theo trong bối cảnh nguồn vốn ODA cho Việt Nam ngày càng bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá tổng thể hiệu quả dự án theo chu trình/vòng đời của dự án từ khâu lập kế hoạch ban đầu, chuẩn bị dự án cho đến triển khai thực hiện và kết thúc dự án. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm áp dụng cho những dự án tiếp theo.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công nhằm đảm bảo chỉ số nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép, đồng thời Việt Nam cũng đã kết thúc giai đoạn quá độ để chuyển đổi từ quan hệ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác với các nhà tài trợ, việc vận động các khoản vay ODA cũng như các khoản viện trợ không hoàn lại sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng về mọi mặt, số lượng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế cho vay vốn dưới nhiều hình thức đến Việt Nam tìm hiểu thị trường ngày càng tăng sẽ mở ra những hướng hợp tác và thu xếp vốn mới cho EVNNPT trên con đường hội nhập và phát triển.
Do vậy, bên cạnh nguồn vốn ODA truyền thống EVNNPT cần đồng thời triển khai nhiều phương án và tìm các nguồn cũng như hình thức vay vốn mới như: vay không có bảo lãnh Chính phủ, Tín dụng xuất khẩu, vay thông qua hình thức bảo hiểm từ các ngân hàng, tổ chức quốc tế… từ các nhà tài trợ hiện có cũng như các ngân hàng, tổ chức cho vay vốn quốc tế mới.
Trên cơ sở định hướng đó, EVNNPT kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính có phương án linh hoạt trong bảo lãnh vay vốn, đặc biệt là vay vốn nước ngoài để đầu tư các công trình truyền tải điện có suất đầu tư lớn, cải cách các thủ tục hành chính giảm thiểu thời gian thu xếp, hoàn thiện và ký kết các thỏa thuận hợp tác, hiệp định vay... nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và tăng hiệu quả dự án.
Thông qua các cuộc trao đổi, tiếp xúc và làm việc hoặc thông qua việc tìm kiếm thông tin, EVNNPT chủ động liên hệ các tổ chức tài chính quốc tế để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vốn vay thương mại cho đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Đồng thời tăng khả năng huy động tài chính bằng cách nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của EVNNPT, bảo đảm có tích lũy, đảm bảo tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/