|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất, tỷ giá và bài toán lựa chọn 'hy sinh' khi điều hành chính sách của NHNN

12:31 | 12/01/2023
Chia sẻ
Ông Phạm Chí Quang cho biết nếu hy sinh tỷ giá để tỷ giá tăng cao, sẽ giữ được lãi suất và dự trữ ngoại hối. Ngược lại, nếu để tỷ giá mất giá nhanh và quá lớn thì sẽ không kiểm soát được lạm phát, có thể rơi vào mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 , ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết năm 2023, để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thì tín dụng, lãi suất, tỷ giá, các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác sẽ được NHNN điều hành rất đồng bộ, linh hoạt nhưng không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát, trên tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất, bất biến của điều hành chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Còn cách thức, công cụ điều hành thì rất linh hoạt, tùy từng thời điểm thị trường để tùy cơ ứng biến đưa ra các giải pháp, chính sách, lộ trình phù hợp để vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không lơ là với rủi ro lạm phát.

Từ đó, mục tiêu quan trọng với nội bộ ngành ngân hàng là duy trì được sự hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). 

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Làm sao tìm điểm cân bằng giữa điều hành lãi suất và điều hành tỷ giá?

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Quang cho biết tại thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên thế giới đều sai lầm khi nhận định lạm phát toàn cầu chỉ có tính tạm thời.

Nhưng thế giới đã đối mặt với lạm phát cao nhất 40 năm trở lại đây, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới phải nhanh chóng chuyển hướng từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ không giới hạn trong giai đoạn COVID-19 năm 2020, 2021 sang thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh, khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.

Thông thường, Fed điều chỉnh 0,25% mỗi lần tăng hoặc giảm lãi suất chính sách, nhưng năm 2022, Fed đã tăng 4 lần lãi suất với mức 0,75% mỗi lần tức là tăng gấp 3 lần mức thông thường.

Bối cảnh đó đã tạo nên một mặt bằng lãi suất toàn cầu rất cao, làm cho đồng USD tăng ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Cuối tháng 9, chỉ số USD (DXY) đã lên mức 115, tức là tăng 21% so với cuối năm 2021, tạo áp lực "khủng khiếp" chính sách tiền tệ không chỉ ở Việt Nam mà của các nước đang phát triển và những nước mới nổi.

Đồng USD trở thành “hầm trú ẩn” cho các nhà đầu tư, dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Dự trữ ngoại hối của các nước sụt giảm gần 10.000 tỷ USD, giảm gần 9% tổng dự trữ ngoại hối của các nước trước xu hướng dòng tiền đổi chiều.

Bài toán đặt ra đối với NHNN là làm sao để tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và điều hành tỷ giá. Nếu hy sinh tỷ giá để tỷ giá tăng cao, đồng nội tệ mất giá nhiều thì sẽ giữ được lãi suất, giữ được dự trữ ngoại hối.

Ngược lại, nền kinh tế Việt Nam độ mở rất lớn, nếu để tỷ giá mất giá nhanh và mất giá quá lớn thì chúng ta sẽ nhập khẩu lạm phát, từ đó không kiểm soát được lạm phát, các cân đối vĩ mô sẽ không kiểm soát được và có thể rơi vào mất ổn định kinh tế vĩ mô.

“Nhúng” hệ điều hành chính sách tiền tệ vào bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung sẽ cho thấy được bức tranh mà ngành ngân hàng phải đối mặt với những thách thức thời gian qua cũng như trong năm 2023.

Thứ nhất, làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng khi một số chỉ tiêu tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đã ở ngưỡng cảnh báo.

Xét tỷ lệ tín dụng/GDP, hiện nay Việt Nam đã đạt 124%, là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp theo thống kê của WB, còn Moody’s thì cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là mức cao nhất của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm Ba và Baa.

Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tiến tới xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng, đó là một con số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp. 

Về cơ bản, tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các nguồn vốn bên cạnh nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn FDI và kiều hối...

Tuy nhiên, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng nên trong bối cảnh thị trường thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản biến động phức tạp, khó lường, có dấu hiệu thu hẹp, thì càng gây áp lực lớn lên cân đối vốn tín dụng ngân hàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Thứ hai, làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của Mỹ.

Thứ ba, làm thế nào ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống trước sự cố tháng 10 trên thị trường liên ngân hàng khi niềm tin thị trường suy giảm cùng với những biến cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Phương Nga