Lãi 9 tháng của Đạm Cà Mau đạt gần 570 tỷ đồng
CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) cho biết, nhà máy Đạm Cà Mau vận hành trở lại đạt trung bình 110% công suất giúp cho nhà máy duy trì sản xuất ổn định 9 tháng đầu năm đạt 586.000 tấn, bằng 78% kế hoạch năm 2018.
Sản lượng tiêu thụ đạt gần 670.000 tấn và bằng 76% kế hoạch. Tổng doanh thu của Đạm Cà Mau ước đạt 4.626 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế 569,5 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ và bằng 83% kế hoạch năm.
Với kết quả này, dự kiến năm 2018, Đạm Cà Mau có thể hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao.
Số liệu thống kê 9 tháng cho thấy, giá phân bón trên thị trường thế giới cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 tác động tích cực đến giá phân bón nội địa.
Đạm Cà Mau cho biết, thời tiết trong nước những tháng đầu năm 2018 diễn biến thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ phân bón. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt không hề nhỏ, đặc biệt là nguồn khí suy giảm nhanh và cơ chế giá khí chưa được quyết định.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ đông xuân 2018, Đạm Cà Mau đã sản xuất và dự kiến cung cấp hơn 250.000 tấn phân bón các loại. Công ty cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, cùng với việc tập trung thúc đẩy tiến độ hoàn thành xây dựng Nhà máy NPK Cà Mau chất lượng cao để đưa ra thị trường sản phẩm đúng lộ trình đề ra.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), Tập đoàn Dầu khí vẫn là nhà cung ứng đầu vào cho Đạm Cà Mau, còn với Đạm Phú Mỹ và các doanh nghiệp sản xuất phân bón từ khí, nhà cung ứng là Tổng công Khí Việt Nam (GAS). Điều này giúp công ty có được những ưu đãi về phải trả nhà cung cấp tốt hơn các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên về dài hạn, Đạm Cà Mau khó giữ được phong độ do khi nhà máy NPK đi vào hoạt động. Việc thu mua nguyên liệu hoặc hàng hoá nhiều khả năng sẽ tăng mạnh vì đặc thù sản xuất NPK cần phải trích trữ nguyên liệu, song FPTS cho rằng mức độ giảm lợi nhuận không đáng kể.