|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãi 1 triệu USD/máy bay, Vietnam Airlines bán rồi thuê lại để giảm nợ vay

16:45 | 20/02/2017
Chia sẻ
Ba máy bay bán và thuê lại giúp Vietnam Airlines thu lãi 1 triệu USD/máy bay, con số có phần khá khiêm tốn. Tuy nhiên, theo đại diện Vietnam Airlines, phương thức bán rồi thuê lại máy bay được sử dụng không vi lợi nhuận mà hướng tới giảm nợ vay.

Sáng ngày 20/02/2017, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (mã HVN-UPCoM) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 với hàng loạt nội dung được trình và xin ý kiến cổ đông thông qua.

Một trong các nội dung nhận được sự quan tâm của các cổ đông tại Đại hội là việc phê duyệt chủ trương bán và thuê lại 4 máy bay có lịch nhận năm 2017 gồm 1 máy bay B787 – 9 và 3 máy bay A350. Với việc áp dụng này, Vietnam Airlines ước tính nhu cầu đầu tư và vay nợ mua máy bay giảm khoảng 544 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.

lai 1 trieu usdmay bay vietnam airlines ban roi thue lai de giam no vay

Đây là lần thứ hai phương án bán và thuê lại máy bay được Vietnam Airlines lấy ý kiến cổ đông. Ba máy bay đã được Vietnam Airlines lần đầu thực hiện bán và thuê lại và ghi nhận trong kết quả kinh doanh quý IV/2016.

Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết khi thực hiện bán và thuê lại máy bay, Vietnam Airlines thực hiện đấu thầu công khai quốc tế. Các máy bay được bán trong quý IV đã thu hút sự tham gia của nhiều hãng cho thuê máy bay lớn, chuyên nghiệp trên thế giới.

Dựa trên mức giá cả cạnh tranh và việc đáp ứng được các chi phí, Vietnam Airlines đã lựa chọn DAE, công ty cho thuê tàu bay từ Arab Saudi, là đối tác mua được chọn. Giá bán và thuê lại được tính toán dựa trên nguyên tắc bù đắp giá mua tàu bay, chi phí phát sinh như lãi vay trong giai đoạn đặt cọc, đồng thời cố định giá để có cơ cấu giá thuê phù hợp. Đại diện của Vietnam Airlines cho biết chênh lệch giá mua – bán trong thương vụ này đạt 1 triệu USD/ tàu bay ghi nhận vào thu nhập hoạt động năm 2016.

Con số này nếu so sánh với số lãi lên tới hàng trăm tỷ đồng mà hãng hàng không Vietjet Air thu được thì khá khiêm tốn. Năm 2015, lãi gộp từ bán máy bay của Vietjet là 518 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2016, con số này tăng lên 581 tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên bên lề cuộc họp, đại diện của Vietnam Airlines cho biết nếu muốn lợi nhuận cao thì giá thuê phải cao. Khi Vietnam Airlines bán cao, Tổng công ty cũng sẽ phải thuê lại với mức giá cao tương ứng. Trong khi đó, Vietnam Airlines không đặt lợi nhuận là mục tiêu mà xác định mức giá đủ để trang trải được chi phí.

Mục đích của việc áp dụng phương thức cấu trúc tài chính này là nhằm giảm nợ vay. Các phương án vốn cho máy bay có lịch nhận năm 2017 được xây dựng theo hướng giảm số máy bay sở hữu, giảm dần hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu và tăng khả năng thanh khoản.

Thực tế, Bộ Tài chính đã yêu cầu Vietnam Airlines tiếp tục nghiên cứu và thực hiện giảm tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu về mức an toàn mà cụ thể là từ 4 lần (31/12/2016) xuống còn 3,2 lần (31/12/2017) và đạt mức 3 lần vào cuối năm 2018.

Tại Đại hội, lãnh đạo Vietnam Airlines báo cáo về đợt chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ANA Holdings đồng thời xin ý kiến cổ đông thông qua việc bỏ điều khoản liên quan đến bán cổ phần cho cổ đông chiến lược do đã hoàn thành Dù đã thu hút đươc cổ đông chiến lược là hãng hàng không Nhật Bản ANA Holdings nhưng lượng cổ phiếu chào bán thành công chiếm tỷ lệ 38% phương án bán cổ phần.

Cũng tại Đại hội lần này, ông Koji Shibata – Phó Tổng Giám đốc cao cấp, Giám đốc kế hoạch chiến lược Châu Á Thái Bình Dương, người đại diện phần vốn tại ANA Holdings tại Vietnam Airlines đã được bầu bổ sung vào HĐQT sau khi Tổng công ty được ĐHĐCĐ cho phép nâng số lượng thành viên HĐQT từ 5 lên 6 người. Ngoài ra, HĐQT Vietnam Airlines cũng chính thức có thêm nhân sự mới là ông Tạ Mạnh Hùng thay thế cho ông Nguyễ Huy Tráng nghỉ hưu từ 1/10/2016.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng được chấp thuận bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như đại lý bảo hiểm, dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá, tổ chức tua du lịch, điều hành tua du lịch,…

Thanh Thủy