|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2017- Bài 1: Nhận diện lợi thế

20:00 | 08/01/2017
Chia sẻ
Nền tảng kinh tế giữ được mức tăng trưởng ổn định cùng với việc xác định rõ "điểm nghẽn" và sự nỗ lực của “Chính phủ kiến tạo” được xem là những lợi thế kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng của năm.

Bước vào năm 2017, với nền tảng nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng ổn định cùng với việc xác định rõ những "điểm nghẽn" và sự nỗ lực của “Chính phủ kiến tạo” được xem là những lợi thế kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng của năm. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho năm thứ hai của nhiệm kỳ 2016-2020.

Tăng trưởng ổn định

Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong năm 2016, kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, cơ bản đã đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm chống thất nghiệp, xuất khẩu ròng tạo nền tảng củng cố giá trị đồng tiền dự trữ ngoại hối...

Song song đó, trong suốt năm qua, Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh quá trình xử lý những vấn đề ngắn hạn của nền kinh tế vĩ mô, ví dụ như nợ xấu, thanh khoản ngân hàng thương mại, giảm lãi suất cho vay, xử lý tái cơ cấu các doanh nghiệp cổ phần hóa…

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, một trong những tín hiệu tốt và cũng là điều bắt buộc khi tham gia vào sân chơi hội nhập là Chính phủ rất quyết tâm, xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển.

Bởi nếu không cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư, Việt Nam không thể bắt kịp được trong hội nhập với thế giới và ngay cả trong khu vực ASEAN.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra nhưng mức tăng trưởng 6,21% cũng đưa Việt Nam nằm trong tốp những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh.

>>>

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh nhìn nhận với tình hình thế giới, nhiều vấn đề như Brexit, bầu cử ở Mỹ... nên sức tiêu thụ trên thị trường thế giới chậm và giảm sút.

Đồng thời, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar, Việt Nam... không ngừng cạnh tranh về lượng hàng hóa xuất khẩu và thị trường xuất khẩu ở một số ngành hàng tương đồng; trong đó có dệt may. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của ngành dệt may đạt khoảng 28,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2015, tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng này giảm hơn nhiều so với những năm trước.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã tỏ rõ mục tiêu lấy tăng trưởng ổn định, không chạy theo chỉ tiêu kế hoạch. Quan điểm này rất phù hợp với quan điểm chung của cả xã hội, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.

Bởi đã từ lâu, xã hội hơi “mẫn cảm” với vấn đề chạy theo chỉ tiêu, thành tích đã kéo dài lâu nay, kể cả những chỉ tiêu không cần thiết mà không chú trọng đến tính hiệu quả. Chẳng hạn đối với doanh nghiệp, việc tăng trưởng doanh thu là một vấn đề, nhưng quan trọng hơn sự tăng trưởng đó phải mang lại hiệu quả và nâng cao đời sống người lao động.

Đồng tình ý kiến này, ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (thuộc Him Lam Corporation) cho rằng, với chủ trương “Chính phủ kiến tạo” đã thể hiện rõ nét sự chuyển biến tích cực về cải cách thủ tục hành chính, gia tăng mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân về thái độ phục vụ của nền hành chính công.

Doanh nghiệp đã dễ dàng hơn khi tiếp cận thông tin. Với những kết quả đạt được trong năm 2016, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ trên phương châm “Chính phủ kiến tạo”, kinh tế đất nước sẽ tiếp tục phát triển, giữ vững sự ổn định, cải cách thủ tục hành chính sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn.

Nhận diện “điểm nghẽn”

Nhận định về “điểm nghẽn” của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016 cũng như hướng tháo gỡ trong năm 2017, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Việt Nam cần nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản, thủy sản bằng việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, qua đó dỡ bỏ các rào cản thương mại để hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn cả về số lượng và giá trị.

ky vong tang truong kinh te viet nam 2017 bai 1 nhan dien loi the

Việt Nam có nhiều lợi thế và cần tranh thủ lợi thế để phát triển phong trào khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin . Ảnh minh họa: TTXVN

Đáng lưu ý, trong bối cảnh cách mạng công nghệ thông tin diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam có nhiều lợi thế và cần tranh thủ lợi thế để phát triển phong trào khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đối với lĩnh vực bất động sản, theo ông Lê Hoàng Châu, trong thời gian qua bất động sản cả nước nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục phát triển tuy nhiên có dấu hiệu chững lại do 4 điểm nghẽn lớn. Cụ thể là “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng đã khiến nhiều dự án không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài.

Điển hình, tại Tp. Hồ Chí Minh hiện có đến 500 dự án ngừng triển khai, chủ yếu do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Kế đó là các “điểm nghẽn” về tiền sử dụng đất, thủ tục hành chính (nhất là quá trình phê duyệt dự án) và chính sách tín dụng (chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản).

“Muốn thị trường bất động sản phát triển bền vững, ổn định, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thì Chính phủ cũng như các địa phương cần ưu tiên tháo gỡ 4 điểm nghẽn này”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright, Đại học Fullbright Việt Nam, cho rằng: Giai đoạn hiện tại là thời cơ vàng để Việt Nam chủ động hội nhập, nhưng hội nhập có 2 mặt vừa là cơ hội và cả thách thức.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Việt Nam trong hội nhập là năng lực. Cơ hội hội nhập thì lớn nhưng tận dụng được cơ hội đó, biến nó thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào năng lực trí tuệ và tầm nhìn.

Đơn cử, ngành dệt may được dự báo là hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng theo tính toán đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, ngành dệt may chỉ hưởng được 5,3% do chúng ta không có các khâu về sợi, nhuộm, vải, dệt... Mặt khác, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập.

Chỉ ra một số lợi thế của Việt Nam về nhu cầu thị trường nội địa ổn định, thế mạnh xuất khẩu, dòng vốn FDI chảy vào sản xuất, đầu tư hạ tầng..., ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: Việt Nam vẫn chịu sự ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nền kinh tế khác đang có xu hướng phát triển chậm lại, do đó năm 2017 Việt Nam có thể kỳ vọng mức tăng trưởng đạt 6,3%/năm. Việt Nam đang là nền kinh tế phát triển và có nhu cầu thật sự về tiêu thụ nội địa.

Đó chính là động lực thay đổi chính của nền kinh tế. Cùng với đó, tổng đầu tư trên GDP do nguồn FDI vào Việt Nam cũng ở mức cao, đầu tư công cao sẽ kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển.

Anh Tuấn – Xuân Tình – Mỹ Phương - Hứa Chung