Kỹ sư xây dựng bỏ công việc nghìn đô về quê làm nước mắm
Kỹ sư xây dựng làm nước mắm
Đó là anh Lê Anh (SN 1985) - chủ một cơ sở sản xuất nước mắm ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa. Vốn là một kỹ sư thiết kế xây dựng, làm việc cho công ty Hàn Quốc, với mức lương ổn định hơn 1.000 USD mỗi tháng, nhưng năm 2015, chàng thanh niên Lê Anh đã quyết định bỏ và chọn khởi nghiệp từ nghề truyền thống quê hương.
Chàng kỹ sư Lê Anh bỏ công việc lương nghìn đô về quê làm nước mắm |
Sau khi nghỉ việc, Lê Anh vào tận Phú Quốc xin làm trong xưởng mắm và học các bí quyết muối mắm rút nõ trong thùng gỗ. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm, chàng thanh niên 8X trở về quê vay mượn anh em, họ hàng và thế chấp nhà để có tiền khởi nghiệp với mơ ước tìm ra một sự khác biệt trong sản phẩm nước mắm truyền thống của quê hương.
Tuy nhiên, khi đưa ý tưởng xây dựng xưởng sản xuất nước mắm trên mảnh đất của gia đình ở quê, bố anh đã phản đối gay gắt vì cho rằng đó là ý tưởng xa vời. Sau nhiều lần vận động, bố anh cũng miễn cưỡng đồng ý. Thế rồi một nhà xưởng lợp tôn được xây dựng ngay trên mảnh đất của cha ông.
Lê Anh tiếp tục vào Phan Thiết tìm hiểu về những chiếc thùng gỗ “khổng lồ” có thể muối được trên dưới mười tấn cá - cách làm mới so với muối mắm trong chum sành, sứ của người dân địa phương lâu nay. Những chiếc thùng này phải làm từ gỗ bời lời có nguồn gốc từ Tây Nguyên nên phải đặt một số thợ từ Gia Lai đóng rồi chuyển về với giá gần 100 triệu đồng/thùng. Anh đã mạnh dạn vay tiền, đầu tư mua 30 thùng gỗ về để làm nước mắm.
“Nước mắm truyền thống miền Bắc nói chung có độ đạm cao nhưng nặng mùi, mặn gắt, trong khi nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết hạn chế được điều đó. Vì lẽ đó, tôi nảy ra ý tưởng “làm mới” nghề truyền thống bằng cách muối mắm trong thùng gỗ”, Lê Anh chia sẻ.
Nhìn cơ ngơi ngày nay, ít ai biết rằng, chàng thanh niên trẻ đã phải đối mặt không ít khó khăn, thử thách. Đó là lần khách hàng phản hồi về nắp chai bị rò rỉ, qua tìm hiểu thì nguyên nhân là do lỗi khuôn nắp. Rồi anh đã phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm ra được loại nắp chai như ngày hôm nay.
Hay có những lần đi tiếp thị nước mắm, anh đã phải đón nhận không ít những lời khiếm nhã từ khách hàng. Trong khi đó, bao vốn liếng đầu tư, tiền lãi ngân hàng, tất cả chỉ trông vào sản phẩm, mà làm ra không tiêu thụ được, không có nguồn thu thì coi như đi vào ngõ cụt.
Sau hàng chục tháng trời, những dòng nước mắm truyền thống rút nõ theo quy trình của người dân Phú Quốc đã được sản sinh ngay chính trên mảnh đất quê hương Hoằng Hóa |
Khi người tiêu dùng đã quen với sản phẩm nước mắm của anh, thì xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung khiến người tiêu dùng lại dè dặt với nước mắm. Đến khi chứng minh sản phẩm của mình làm ra an toàn, Lê Anh lại vướng phải thông tin về nước mắm có hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép... Khó khăn cứ dồn dập đến, nhưng Lê Anh đã luôn tìm tòi để vượt qua khủng hoảng bằng thái độ minh bạch.
Giữ lại hồn cốt cha ông đã tạo ra
“Là nghề truyền thống nhưng tôi muốn tìm hướng đi riêng để tạo ra sự khác biệt, có thể thâm nhập vào những thị trường khó tính, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... và xuất khẩu đi nước ngoài. Trước là cho giá trị xã hội và tạo việc làm cho người dân, sau là cung ứng cho người dùng sản phẩm sạch, giữ lại hương vị đậm đà mang hồn cốt cha ông đã tạo ra”, Lê Anh chia sẻ.
Những giọt nước mắm sạch, có hương vị đậm đà mang hồn cốt cha ông được Lê Anh nghiên cứu tạo ra
Qua hiểu thị trường, nước mắm Phú Quốc muối trong thùng gỗ nổi tiếng được khách hàng trong nước và quốc tế biết đến nhiều. Hơn nữa, tiềm năng và nguồn hải sản để làm ra nước mắm của Thanh Hóa rất dồi dào.
“Tôi tìm đến tiến sĩ Trần Thị Dung - chuyên gia công nghệ chế biến thủy sản, nhà khoa học hàng đầu về nước mắm của Việt Nam để nhờ tư vấn kiến thức và quy trình để cho ra sản phẩm mắm đậm đà và hạn chế những điểm bất lợi của sản phẩm”, Lê Anh chia sẻ
Nguyên liệu làm mắm là một công đoạn quan trọng không kém, phải chọn lựa rất khắt khe, cá cơm, cá nục phải tươi nguyên khi vừa cập bến, đưa về được trộn muối chế biến ngay. Loại muối để trộn muối mắm được nhập từ Phan Thiết, để sau 6 tháng mới sử dụng nhằm loại bỏ vị chát. Nhà xưởng được lợp tôn kín nhằm giữ nhiệt độ trong xưởng luôn cao thì nước mắm mới ngon.
Cơ sở sản xuất nước mắm của Lê Anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập ổn định
Qua nhiều quy trình kỹ thuật khắt khe, sau 18 đến 24 tháng, những dòng nước mắm truyền thống rút nõ theo quy trình của người dân Phú Quốc có màu hổ phách, đặc sánh, ấn tượng đã được sản sinh ngay chính trên mảnh đất quê hương anh.
Ngoài sản xuất nước mắm, xưởng sản xuất của Lê Anh còn muối mắm tôm, mắm tép quy mô lớn.
Ngoài sản xuất nước mắm, xưởng sản xuất của Lê Anh còn muối mắm tôm, mắm tép quy mô lớn.
Với quy mô chế biến 500 tấn cá/năm (tương đương với 25.000 lít nước mắm) và 120 tấn mắm tôm/mắm tép, cơ sở sản xuất nước mắm của Lê Anh đã có doanh thu từ 10 đến 15 tỷ đồng. Đồng thời, hiện cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
"Tôi tin rằng, những sản phẩm hữu cơ và an toàn là xu hướng tiêu dùng tương lai và người tiêu dùng sẽ quay trở về với nước mắm truyền thống. Đây là cơ hội để những người sản xuất nước mắm sạch được sống với nghề, đồng thời, gìn giữ được giá trị và hồn cốt của cha ông", Lê Anh chia sẻ.