|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng nay

06:44 | 21/05/2018
Chia sẻ
Tại kỳ họp ngắn nhất trong nhiều năm qua, Quốc hội sẽ thông qua 8 luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Hình thức chất vấn trực tiếp được cải tiến.

Sáng 21/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc. Theo dự kiến, ở kỳ họp này Quốc hội chỉ làm việc trong thời gian 20 ngày (không tính ngày nghỉ) và bế mạc vào 15/6.

Như thường lệ, trước khi khai mạc, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại phiên trù bị, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày báo cáo về công tác nhân sự.

Tiếp đó, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp trước khi được thông qua.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày cáo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018...

ky hop thu 5 quoc hoi khoa xiv khai mac sang nay

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 21/5. Ảnh: Thắng Quang.

Thông qua 8 dự án luật

Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó tổng thư ký Quốc hộị, cho biết kỳ họp dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Đáng chú ý, dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này gồm 6 chương, 85 điều. Dự án luật đã đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, sau đó, tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện, dự án luật này đã được chỉnh lý trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm có những ưu đãi có tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế; có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.

Ông Lê Bộ Lĩnh thông tin dự thảo luật trình xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp này tập trung vào những nội dung sau: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi, kết cấu của Luật và những nguyên tắc áp dụng Luật; quy hoạch đặc khu ); cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh.

ky hop thu 5 quoc hoi khoa xiv khai mac sang nay

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội trao đổi với báo chí tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 5. Ảnh: Thắng Quang.

"Một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; ngân sách và ưu đãi đầu tư; cơ chế, chính sách đặc biệt về lao động, tiền lương, an sinh xã hội và cơ chế, chính sách đặc biệt khác; tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu; việc quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; vấn đề chuyển tiếp và triển khai thi hành luật", ông Lĩnh nói.

Bên cạnh đó một số dự án luật được dư luận quan tâm như: Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật quy hoạch... cũng dự kiến được thông qua.

Thực hiện chất vấn nhanh

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

"Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với những cải tiến, đổi mới. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi. Người bị chất vấn phải trả lời ngay, thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút", ông Lê Bộ Lĩnh thông tin.

Việc cải tiến, đổi mới này được áp dụng thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.

Ông Lĩnh cũng cho biết thêm kỳ họp này tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phát trực tiếp các nội dung của kỳ họp trên truyền hình; đồng thời, bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp một số nội dung thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi; quyết toán ngân sách Nhà nước…

Thắng Quang