|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Nhà cao tầng không phải tội đồ

07:43 | 14/01/2020
Chia sẻ
Kiều bào chỉ ra những sai sót trong quy hoạch nhà cao tầng kết hợp đường giao thông của TP.HCM và hiến kế để "giải phóng" thành phố khỏi kẹt xe triền miên.

Tại buổi gặp gỡ, tiếp nhận ý kiến kiều bào góp phần phát triển TP.HCM do Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều 13/1, thành phố đã tiếp nhận 11 ý kiến hiến kế giúp thành phố phát triển của người Việt tại các nước: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Canada...

Bên cạnh góp ý trong các lĩnh vực y tế, môi trường, doanh nghiệp, các kiến nghị về quy hoạch đô thị và giảm ùn tắc giao thông được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Nhà cao tầng một đường, hạ tầng giao thông một ngả

Việt kiều Canada, KTS Ngô Viết Nam Sơn, khẳng định tầm quan trọng của nhà cao tầng đối với quy hoạch của thành phố. 

Phản đối các ý kiến cho rằng cao ốc là "tội đồ" bức tử đô thị, ông Sơn khẳng định nếu nhà cao tầng được quy hoạch hợp lý sẽ có ý nghĩa lớn cho thành phố và tạo được mô hình đô thị nén, có thêm đất quy hoạch hệ sinh thái thiên nhiên với không gian xanh, mặt nước… phục vụ người dân.

“Tuy nhiên, thời gian qua nhà cao tầng thành phố phát triển tự phát, mang lợi ích cục bộ. Nếu thấy được vấn đề thì có thể tiết kiệm hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng”, ông Sơn cho hay.

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Nhà cao tầng không phải tội đồ - Ảnh 1.

KTS Ngô Viết Nam Sơn, kiều bào Canada, hiến kế tái quy hoạch cao ốc cho TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

KTS Sơn nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong quy hoạch nhà cao tầng đúng cách là phát triển đi đôi với giao thông công cộng và không gian xanh mặt nước, thân thiện với người đi bộ. Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải được xây dựng trước khi cấp phép xây nhà cao tầng. 

Thứ 3, cần chú ý bảo vệ những khu vực có giá trị lịch sử, di sản trước áp lực phá bỏ di sản để cao tầng hóa. Thứ 4, cần đánh giá tác động môi trường của các dự án cao ốc được cấp phép.

“Hiện TP.HCM có tình trạng giao thông công cộng đi một đường, nhà cao tầng đi một ngả khác. Ta có tuyến metro số 1 với các nhà ga Ba Son, Văn Thánh, Tân Cảng… nhưng giao thông công cộng và quy hoạch đô thị thì riêng rẽ. Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải rõ ràng không làm việc chung với nhau”, ông Sơn nhận định.

Ông Sơn cho rằng tình trạng hiện tại vẫn có thể xử lý nhưng chi phí sẽ rất cao do kinh phí đền bù giải tỏa lớn. Kiến trúc sư khuyến nghị thành phố đừng nên lo không "chiều" nhà đầu tư thì họ sẽ chạy mất. Nhà đầu tư nào cũng làm việc vì lợi ích nên chỉ cần tạo ra một đô thị đa năng thì TP.HCM sẽ luôn có sức hút đầu tư lớn.

Di dân hoán đổi gây sức ép cho đô thị

Dẫn chứng các không ảnh của TP.HCM, KTS Phan Tấn Lộc, kiều bào Pháp, cho rằng dù mô hình thành phố đã hướng tới đa trung tâm nhưng trên thực tế, thành phố đang đi theo hướng mô hình trung tâm độc nhất. 

Hệ thống giao thông với đường xuyên tâm, đường hướng tâm, đường vành đai… đều hướng về lõi là trung tâm quận 1, quận 3 gây ra hiện tượng "di dân hoán đổi" trong đô thị.

Tức là, buổi sáng, trên các trục đường hướng tâm, mật độ người tham gia giao thông rất cao từ vùng ven hướng về trung tâm lõi (quận 1, quận 3). Chiều ngược lại có mật độ giao thông thấp hơn nhiều. 

Buổi chiều, hướng “di dân” theo chiều ngược lại từ trung tâm lõi ra hướng các vùng ven, trong khi đó chiều hướng về trung tâm có mật độ giao thông thấp.

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Nhà cao tầng không phải tội đồ - Ảnh 2.

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chịu cảnh kẹt xe nhiều năm nay. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một điểm yếu nữa được kiến trúc sư chỉ ra là mạng lưới giao thông thiếu cả về diện tích, về cơ học và được tổ chức chưa hợp lý. Theo ông Lộc, mạng lưới giao thông của nhiều thành phố trên thế giới được phân bố với những tuyến đường nhánh có khoảng cách từ 70 đến 160 m, có nơi trên 200 m. Trong khi đó, TP.HCM có nhiều tuyến đường dài 500 m nhưng thiếu đường nhánh, phần lớn là các con hẻm.

Tương tự ông Sơn, KTS Lộc kiến nghị thành phố chuyển đổi cơ cấu tổ chức lãnh thổ theo hướng đa trung tâm bằng cách quy hoạch thêm những trung tâm khác; đồng thời, tiến hành mở hẻm thành đường để giải quyết áp lực giao thông.

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Nhà cao tầng không phải tội đồ - Ảnh 3.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng.

Ghi nhận các kiến nghị liên quan đến quy hoạch đô thị, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết thành phố đã định hướng chuyển đổi đô thị đa trung tâm từ năm 2010 nhưng chưa triển khai kịp thời. 

"Năm nay, Sở đang làm đầu bài để điều chỉnh quy hoạch chung thành phố giai đoạn 2040-2060 theo mô hình tập trung đa cực để thực hiện hóa ý định đó”, ông Nhã cho hay.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ sự ấn tượng với những ý kiến của các chuyên gia và cho biết mô hình đô thị nén với mục tiêu "20 phút đi bộ có đủ thứ" sẽ được thành phố thực hiện hóa ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

“Để xây nhà cao tầng không xung đột với giao thông, thành phố nên xem có quy chế xây dựng, quản lý nhà cao tầng tại TP.HCM”, Bí thư Nhân giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Trong năm 2019, có hơn 425.500 lượt kiều bào nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, so với năm 2018 là 424.000 lượt kiều bào. Lượng kiều hối về TP.HCM là 5,6 tỷ USD.

Hiện có khoảng 400 chuyên gia, tri thức kiều bào về làm việc dài hạn, 200 trí thức hợp tác với các bệnh viện, trường đại học tại TP.HCM. Khoảng 3.000 doanh nhân, kiều bào đầu tư tại TP.HCM với tổng số vốn khoảng 45.000 tỷ đồng.

Thu Hằng

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.