Kinh tế Việt Nam đầy 'hứa hẹn' trong trung hạn
Trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam với tiêu đề “Việt Nam – Vững mạnh hơn nhưng không dễ dàng hơn” mới được công bố, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm).
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng và giảm lượng khí thải các bon.
Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mạnh mẽ bất chấp sự điều chỉnh gần đây. Xuất nhập khẩu đang bắt đầu phục hồi, mặc dù thương mại điện tử vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi rõ ràng. Với lo ngại lạm phát quay trở lại, lạm phát được dự báo tăng từ mức 3,3% năm 2023 lên 5,5% vào năm 2024.
Tương tự, đánh giá về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024, Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ, có khả năng lấy lại mức tăng trưởng xu hướng 6% trong năm 2024.
Khi các dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ có dấu hiệu phục hồi, mang lại cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu. Mặc dù cần theo dõi diễn biến tác động của việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%, những tác động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Các chuyên gia của HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức tăng nhẹ trong năm 2024, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát mới là 4-4,5%. Mặc dù xu hướng giảm lạm phát diễn ra trên diện rộng ở Việt Nam, áp lực giá vẫn chưa hoàn toàn mất đi. Rủi ro tăng lạm phát do năng lượng và thực phẩm vẫn còn đó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khá nhạy cảm đối với những mặt hàng này do tỷ trọng khá lớn trong rổ tính toán lạm phát.
VinaCapital cũng cho rằng, năm 2024 sẽ là một năm mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam, được thúc đẩy bởi sự hồi phục của ngành sản xuất và cải thiện tâm lý người tiêu dùng. Mặt bằng lãi suất đã giảm trong năm 2023 cũng sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản phục hồi, giống như đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trước đó.
Nhận định về năm 2024 của nền kinh tế Việt Nam, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital phân tích, kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ lên mức 6-6,5% vào năm 2024, được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong ngành sản xuất và cải thiện trong tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề nhu cầu tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế của VinaCapital kỳ vọng hoạt động sản xuất sẽ phục hồi tốt trong năm nay. Nhu cầu tiêu dùng sẽ không tăng mạnh trong năm 2024 bởi làn sóng du khách nước ngoài đến Việt Nam đã thúc đẩy tiêu dùng trong năm ngoái và sẽ khó lặp lại trong năm nay.
Chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam (không tính du khách) cũng đã bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2023 do cải thiện trong thị trường lao động và vì thị trường bất động sản “đóng băng” của Việt Nam đã bắt đầu chuyển động tích cực nhờ việc giảm lãi suất. Lãi suất thấp cũng đã hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2023, nhưng VinaCapital kỳ vọng lãi suất sẽ ổn định hơn nhiều trong năm 2024 và các nhà đầu tư thị trường chứng khoán sẽ tập trung trở lại.