|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh tế trưởng World Bank: Kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro

10:11 | 12/12/2017
Chia sẻ
Nhìn vào những chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong suốt 7 năm qua, chúng ta có thể thấy rằng mặc dù tăng trưởng, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến tài khoản vãng lai và lạm phát.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 (Doing Business 2018 report) của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tiếp tục được tăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về các động lực tạo nên thành tích kinh tế vừa qua, viễn cảnh tăng trưởng và các thách thức trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

kinh te truong world bank kinh te viet nam van con ton tai nhieu rui ro
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Vì sao Ngân hàng thế giới lại quyết định hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 6,5% trong năm 2018 từ mức dự báo 6,7% trong năm nay? Theo đó, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2018 sẽ là gì?

Ông Sebastian Eckardt: Về cơ bản, chúng tôi đánh giá những động năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và trung hạn vẫn giữ nguyên, bao gồm cầu trong nước và chi tiêu, tiêu dùng tiếp tục gia tăng kết hợp với chính sách tăng trưởng định hướng xuất khẩu của Chính phủ Việt Nam.

Mặc dù vậy, chúng tôi hạ thấp dự báo tăng trưởng cho năm 2018 xuống 6,5% bởi vì môi trường kinh doanh Việt Nam nói chung vẫn tồn tại một số vấn đề.

Thứ nhất, ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay mặc dù đã khôi phục nhưng vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ về khí hậu, thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều sự cố liên quan đến môi trường, điều kiện lao động và những rủi ro về thể chế vẫn tồn tại. Những vụ việc như sự cố xả thải của Fosmosa hay hành vi vi phạm điều kiện lao động của Samsung và một số yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp khác trong năm nay đã tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư. Những tác động tiêu cực đó vẫn còn tồn tại và chưa thể giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất định và có thể vượt qua kỳ vọng cơ sở mà chúng tôi đưa ra. Ngành chế tạo của Việt Nam đang phát triển rất tốt, cùng với đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Theo đó, tăng trưởng hoàn toàn có thể vượt mức dự báo mà chúng tôi đưa ra là 6,5% cho năm 2018.

Vậy theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và trong trung hạn?

Ông Sebastian Eckardt: Trong thời gian ngắn hạn, thách thức lớn nhất của Việt Nam sẽ là làm thế nào để khai thác triệt để những mô hình tăng trưởng hiện nay, đặc biệt phải tận dụng được những lợi ích từ dòng vốn FDI.

Theo đánh giá của chúng tôi, nguồn vốn FDI chính là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong 5 năm tới. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam sẽ sử dụng nguồn vốn này như thế nào, bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng năng suất để chúng ta có thể tạo ra những tác động lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nghiệp FDI trong quản lý, tiếp cận thị trường, công nghệ….

Chính phủ Việt Nam cũng nên đẩy mạnh việc tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển hoạt động của các khối kinh tế tư nhân, bởi 96% các doanh nghiệp trong nước là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Họ thường thiếu công nghệ, kỹ năng và năng lực quản trị để có thể kết nối và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều Việt Nam cần chính là những cải cách cơ cấu cơ bản để có thể tạo sân chơi bình đẳng, và môi trường cạnh tranh cho cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặc biệt trong vấn đề tiết cận vốn, đất đai và các nguồn lực khác.

Như vậy, thách thức lớn nhất đối với chính phủ Việt Nam là làm thế nào để tạo môi trường thuận lợi giúp nâng cao đóng góp và vị thế của các doanh nghiệp trong nước đồng thời tận dụng tốt nguồn vốn FDI.

Ông đánh giá như thế nào về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn của Nhà nước trong thời gian qua?

Ông Sebastian Eckardt: Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ liên quan đến số lượng các công ty được cổ phần hóa trong những năm qua. Tuy nhiên, thách thức hiện nay, theo tôi, là làm thế nào để nâng cao chất lượng cổ phần hóa. Nhiều trường hợp thoái vốn còn rất khiêm tốn, và nhà nước vẫn nắm giữ lượng cổ phần đa số.

Theo đó, Việt Nam nên thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa sâu rộng hơn để bù đắp lại những thâm hụt ngân sách và quan trọng hơn, tiến trình này, nếu được thực hiện một cách hiệu quả, sẽ giúp cho các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận được với nguồn vốn mới mà còn giúp họ có được bí quyết công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Điều này có thể giúp cho Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn nữa và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Hiện nay, mức thu ngân sách Chính phủ đang chậm lại, nguồn vốn ODA giảm, trong khi chi thường xuyên tiếp tục tăng, như vậy, làm thế nào để Việt Nam có được mức dư địa ngân sách cần thiết để bảo đảm thực hiện những mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới?

Ông Sebastian Eckardt: Theo tôi, Việt Nam cần phải xây dựng lại những vùng đệm chính sách, vùng đệm vốn để có thể củng cố chính sách tài khóa, giảm nợ công, tạo ra những dư địa ngân sách tốt hơn giúp chính phủ đạt những mục tiêu trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam vẫn chưa thực sự có tác động hiệu quả và tương tự, việc sử dụng những kênh này để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa hệ thống quản lý rủi ro vẫn chưa được hiệu quả, đặc biệt trong các vấn đề quản lý tài sản của các ngân hàng và các định chế tài chính.

Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng chúng ta cần có các biện pháp tiếp cận mang tính thận trọng để quản lý mức tăng trưởng tín dụng đó, làm thế nào để mức tăng trưởng này được điều tiết bởi cung cầu của thị trường.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề giải quyết nợ xấu, đặc biệt là động thái ban hành Nghị định 42, cung cấp khung pháp lý khá đầy đủ giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu.

Trong báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, có một thông điệp ông đưa ra là Việt Nam nên chuyển từ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô sang tăng cường khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế. Thông điệp đó cụ thể nói lên điều gì thưa ông?

Ông Sebastian Eckardt: Điều cốt lõi ở đây là nếu nhìn vào những chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong suốt 7 năm qua, chúng ta có thể thấy rằng mặc dù tăng trưởng, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến tài khoản vãng lai, và lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang có cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái linh hoạt, tạo nhiều thuận lợi cho việc giữ ổn định cán cân thanh toán. Nhưng vấn đề ở đây, thực chất không liên quan nhiều đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, mà làm thế nào để thị trường có thể đứng vững trước những cú sốc cả trong và ngoài nước.

Giống như rất nhiều các quốc gia, việc Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, cũng đồng nghĩa với việc những ưu đãi về nguồn vốn ít đi. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam nên tận dụng thật triệt để các thị trường vốn để góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh, giúp nâng cao sức khỏe của nền kinh tế trước những cú sốc bên ngoài.

Cải cách cơ cấu chậm cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi hiện nay, nhất là khi tốc dộ tăng đầu tư đang yếu đi. Như vậy, tăng cường khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu là hướng đi để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Lê

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.