|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Trung Quốc lao đao, người nghèo hứng đòn nặng nhất

21:14 | 07/12/2019
Chia sẻ
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp kỷ lục trong gần 30 năm, đánh mạnh vào túi tiền của những người nghèo nhất nước này.

Theo Al Jazeera, vài năm trước đây, Gan Xiaoge đi gần 200 km từ tỉnh An Huy (Trung Quốc) đến thủ đô Bắc Kinh để tìm việc làm. Làm nghề dọn dẹp văn phòng, cô hưởng thu nhập khá ổn định nhờ nền kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng mạnh.

Nhưng thời gian qua, tăng trưởng Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt, giá của các mặt hàng quan trọng như thịt heo leo thang, Gan và hàng trăm triệu người dân Trung Quốc khác bắt đầu bị đẩy vào cảnh khó khăn.

“Giá thịt heo đã tăng rất nhiều trong những tháng gần đây và tôi sẽ không đủ tiền để mua thịt heo nữa. Chủ nhà cũng tăng tiền thuê nhà từ 500 NDT (71 USD) lên 800 NDT (114 USD), rồi 1.000 NDT (142 USD) chỉ trong vòng ba tháng”, Al Jazeera dẫn lời Gan buồn bã nói.

Kinh tế Trung Quốc lao đao, người nghèo hứng đòn nặng nhất - Ảnh 1.

Người lao động Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn vì kinh tế giảm tốc. Ảnh: SCMP.

Người nghèo bị tổn thương

GDP của Trung Quốc tăng 6% trong 3 tháng tính đến tháng 9/2019. Đó là tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh đối với một quốc gia có quy mô lớn như Trung Quốc. Tốc độ này nhanh gấp ba lần so với nền kinh tế Mỹ trong cùng thời gian.

Nhưng đó là mức tăng thấp kỷ lục của Trung Quốc kể từ năm 1992. Sự giảm tốc làm tổn thương những lao động có thu nhập thấp như Gan. “Không ai bảo vệ chúng tôi trước các chủ nhà, họ luôn có thể dễ dàng tìm người thuê khác. Tiền lương ở Bắc Kinh chỉ đủ để sống”, cô than vãn.

Những người như Gan bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm tốc theo các cách khác nhau. Những biến động lớn nhất xảy ra trên thị trường lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, theo số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc, tăng lên 3,61% trong quý III năm nay. Tỷ lệ này dao động ở mức dưới mức 4% trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng đây chỉ là con số ảo, và sự thật u ám hơn rất nhiều.

Kinh tế Trung Quốc lao đao, người nghèo hứng đòn nặng nhất - Ảnh 2.

Người nghèo Trung Quốc càng khốn khổ vì thịt heo tăng giá. Ảnh: Bloomberg.

Có nhiều bằng chứng cho thấy ngày càng nhiều công ty sản xuất ở Trung Quốc sa thải công nhân sau khi số đơn đặt hàng từ nước ngoài sụt giảm vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chẳng hạn, chỉ số công nhân có việc làm ở Trung Quốc (một thành phần trong chỉ số quản lý mua hàng sản xuất hàng tháng, nhằm đo lường hoạt động sản xuất của các nhà máy) đã giảm xuống dưới 47 vào tháng 8/2019.

Đó là mức thấp kỷ lục tính từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Chỉ số đã hồi phục nhẹ lên 47,3 vào tháng 10, nhưng các con số dưới 50 đều cho thấy các nhà máy đang cắt giảm số lượng công nhân.

Nỗ lực cân bằng

Nền kinh tế Trung Quốc thực chất đã chậm lại từ trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu bùng lên vào năm ngoái. Một trong những nguyên nhân là nỗ lực giảm nợ của Bắc Kinh. Hiện tổng nợ của Trung Quốc lên đến 40.000 tỷ USD.

Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế nước này vào xuất khẩu, và biến tiêu dùng trong nước trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng. Một số chuyên gia nhận định chiến lược này vẫn chưa đem lại kết quả tích cực.

“Bắc Kinh đang vật lộn để tái cân bằng tăng trưởng theo thúc đẩy tiêu dùng", Al Jazeera dẫn lời Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng tại Enodo Economics, nhận định.

Kinh tế Trung Quốc lao đao, người nghèo hứng đòn nặng nhất - Ảnh 3.

Ngày càng nhiều nhà máy ở Trung Quốc cắt giảm số lượng nhân viên. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng tăng trưởng chậm lại cũng chỉ là một trong những nguyên nhân khiến thu nhập của người Trung Quốc sụt giảm. Dịch cúm lợn châu Phi đã buộc cơ quan chức năng phải tiêu hủy hàng chục triệu con lợn, làm suy giảm nguồn cung thịt lợn, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng vọt.

Giá tiêu dùng Trung Quốc đã tăng 3% so với năm ngoái trong tháng 9/2019, mức tăng nhanh nhất trong vòng 6 năm, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia. Sự gia tăng đột biến này chủ yếu do giá thịt heo tăng mạnh.

Cuộc sống của người Trung Quốc bắt đầu trở nên khó khăn hơn vì cả chiến tranh thương mại và tình trạng lạm phát.

Bong bóng nợ phình to

Trong khi đó, nợ hộ gia đình đã tăng đáng kể so với cùng kỳ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tổng nợ của các hộ gia đình Trung Quốc ở mức 50,3% GDP tính đến tháng 6/2018.

IMF cho rằng sự gia tăng này làm dấy lên lo ngại về “những tác động bất lợi đáng kể đến tăng trưởng và sự ổn định tài chính”. Không chỉ các hộ gia đình, chính quyền trung ương và địa phương cũng tích lũy nợ.

Chuyên gia Nick Marro thuộc Economist Intelligence Unit cho biết ông không ngạc nhiên về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Ông ước tính con số tăng trưởng thực tế còn thấp hơn nếu loại bỏ tác động của thuế.

Chính phủ Bắc Kinh đã giảm thuế để thúc đẩy chi tiêu và kích thích tăng trưởng. Tác dụng phụ của quyết định này là tạo sức ép tài chính lên các khoản thu của chính quyền địa phương, buộc họ phải tăng vay.

Kinh tế Trung Quốc lao đao, người nghèo hứng đòn nặng nhất - Ảnh 4.

Nợ Trung Quốc hiện lên đến 300% GDP, tương đương 15% tổng nợ thế giới. Ảnh: Reuters.

“Các chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ hiện tại”, chuyên gia Marro nhấn mạnh.

Thêm vào đó, tốc độ giảm tốc của tăng trưởng kinh tế không đồng trên cả nước. Theo các số liệu chính thức, trong nửa đầu năm, nền kinh tế của 14 trong số 25 khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình quốc gia.

Tỉnh Vân Nam có tốc độ nhanh nhất là 9,2%, trong khi Thiên Tân, nằm gần Bắc Kinh, đứng ở vị trí thấp nhất với 4,6%. Điều này có nghĩa là chính phủ Trung Quốc không thể thực hiện một giải pháp chung phù hợp với tất cả.

Trong khi chính phủ Trung Quốc loay hoay với các biện pháp giảm thiểu tác động của nền kinh tế suy thoái, những người như Gan càng khốn đốn hơn. “Tôi sẽ nhận thêm các công việc bán thời gian và giảm chi tiêu không cần thiết”, cô thở dài.

Phương Thảo