|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Thái Nguyên phát triển ra sao trước khi bão Yagi gây thiệt hại nặng nề?

15:45 | 17/09/2024
Chia sẻ
Trước khi bị tác động bởi bão Yagi và hoàn lưu bão, kinh tế tỉnh Thái Nguyên trong 8 tháng diễn ra theo xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước và tốt hơn cùng kỳ ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,63%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17%, tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 12,3%,...

Là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ, UBND tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 là 7,5% so với năm 2023. 

Tuy vậy, trong nửa đầu năm, dù cao hơn mức tăng 5,1% của 6 tháng đầu năm 2023 song GRDP mới chỉ ước đạt 6,03% so với cùng kỳ. 

Vậy trước khi bị tác động bởi bão Yagi và hoàn lưu bão, kinh tế Thái Nguyên có tăng trưởng như thế nào trong 8 tháng đầu năm?

IIP ước tính tăng 7,63% 

Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 tiếp tục diễn ra theo xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước và tốt hơn cùng kỳ ở hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh (IIP) tháng 8 ước tính tăng 0,77% so với tháng trước và tăng 10,89% so với cùng kỳ.

Bình quân 8 tháng, IIP ước tính tăng 7,63% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 0,23%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 10,81%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 21,38%.

Năm 2024 là năm có chỉ số IIP bình quân 8 tháng đạt cao thứ 2 (chỉ thấp hơn mức tăng 11,78% của năm 2022) trong vòng 5 năm trở lại đây.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng của tỉnh Thái Nguyên. (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17% 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 đạt 6.777 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 51.805,4 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 36.955 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 8.854,1 tỷ đồng, tăng 18,6%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 176,2 tỷ đồng, tăng 21,3% và doanh thu dịch vụ khác ước đạt 5.820 tỷ đồng, tăng 12,7%.

Với tốc độ tăng bình quân 16,4%/năm trong 8 tháng đầu năm, sau 5 năm quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng gấp đôi.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng của tỉnh Thái Nguyên. (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên). 

Tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 12,3%

Tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tháng 8 ước đạt 4,26 tỷ USD, tăng 10,6 % so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Trong đó giá trị xuất khẩu giảm 0,9%; giá trị nhập khẩu tăng 19,3%.

Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 32 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ; trong đó, giá trị xuất khẩu tăng 11,6% và giá trị nhập khẩu tăng 13,7%. Chênh lệch giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa là trên 8,4 tỷ USD.

CPI bình quân 8 tháng tăng 3,68%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,06% so với tháng trước, so với cùng kỳ (tháng 8/2023), CPI tháng 8/2024 tăng 4,11%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số giá thì có 8 nhóm có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm hàng ăn vào dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 8,05% (nhóm lương thực tăng 14,16%; nhóm thực phẩm tăng 7,29%), tác động làm CPI chung tăng 2,77 điểm phần trăm.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên) 

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 60,8% kế hoạch Chính phủ giao

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 31/7, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 2.522 tỷ đồng, bằng 27,1% kế hoạch vốn do địa phương giao và bằng 44,9% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.

Ước tính luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 31/8, toàn tỉnh giải ngân khoảng 3.411,5 tỷ đồng, đạt 60,8% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao và đạt 39,7% kế hoạch địa phương giao.

Thu ngân sách Nhà nước tăng 10,5% 

Trong 8 tháng, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.090 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ và bằng 56,8% dự toán HĐND giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 9.318 tỷ đồng, đạt 54,8% dự toán; thu xuấtnhập khẩu ước đạt 1.700 tỷ đồng đạt 68% dự toán; các khoản ủng hộ đóng góp đạt 72 tỷ đồng.

Ngược lại, chi ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 9.120 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ và bằng 44,7% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 2.512 tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 5.650 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán; chi Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, nhiệm vụ khác ước đạt 900 tỷ đồng.

Ngọc Bảo