|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngày cuối cùng của Gojek tại Việt Nam: Cạnh tranh liệu có hạ nhiệt?

12:09 | 17/09/2024
Chia sẻ
Theo Mordor Intelligence, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam có quy mô 727,73 triệu USD, dự kiến tăng lên 2,16 tỷ USD vào năm 2029, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 19,5%

Sau hơn một thập kỷ thống trị của Grab, thị trường gọi xe vẫn còn nhiều tiềm năng. Grab, "ông lớn" trong ngành, đã thu về 869 triệu USD từ mảng gọi xe trong năm ngoái, với lợi nhuận điều chỉnh 676 triệu USD, biên lợi nhuận ấn tượng 78%.

Lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng của Jeff Bezos "biên lợi nhuận của bạn là cơ hội của tôi", các đối thủ mới như Xanh SM đang tìm cách giành thị phần từ những "ông lớn" Grab và Gojek.

Thị trường có còn hấp dẫn?

Tuy nhiên, những người chơi mới cần nhớ đến khó khăn mà các hãng trước đây đã gặp phải. Điển hình là Uber, dù là người tiên phong, đã phải rút khỏi Đông Nam Á và bán lại hoạt động cho Grab.

Ngay cả Gojek, dù mạnh mẽ, cũng gặp khó khăn khi mở rộng ra nước ngoài. Gojek đã rất chật vật tại thị trường Việt Nam khi công ty cho biết Việt Nam chỉ đóng góp chưa đến 0,5% tổng giá trị giao dịch và 2% giá trị giao dịch dịch vụ theo yêu cầu trong quý II/2024.

16/9 là ngày cuối cùng Gojek hoạt động tại thị trường Việt Nam. Công ty cho biết đây là bước đi chiến lược nhằm tập trung nguồn lực vào những hoạt động có thể mang lại hiệu quả bền vững.

Gojek rời Việt Nam từ ngày 16/9. (Ảnh: CNBC).

Thị trường gọi xe đã phát triển vượt bậc kể từ thời kỳ đầu của Uber, Grab và Gojek, thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Từ năm 2014, các startup gọi xe trong khu vực đã huy động được 22,3 tỷ USD, phần lớn trong giai đoạn 2018-2021, theo thống kê từ Tech in Asia. Tuy nhiên, khi thị trường trưởng thành và kinh tế khó khăn, dòng vốn đầu tư đã giảm dần từ năm 2022.

Dù vậy, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng vẫn hấp dẫn các công ty mới gia nhập lĩnh vực gọi xe. Báo cáo của Mordor Intelligence cho biết thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 có quy mô 727,73 triệu USD, dự kiến tăng lên 2,16 tỷ USD vào năm 2029, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2024 - 2029 ở mức 19,5%. 

Cạnh tranh khốc liệt cũng mở ra cơ hội cho các thương vụ sáp nhập, mua lại và hợp tác chiến lược. Chẳng hạn, mới đây thị trường chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa GSM - công ty mẹ của Xanh SM và hãng taxi truyền thống Mai Linh.

Theo thoả thuận, Mai Linh Group và GSM sẽ liên doanh nhằm xây dựng chuỗi sửa chữa ô tô có quy mô lớn nhất Việt Nam. Thoả thuận chỉ dừng lại ở ngành cung cấp phụ tùng, sửa chữa xe nhưng sẽ là cơ sở để nhiều người tin vào sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai hãng vận tải hành khách lớn trên thị trường.

Trong khu vực cũng đã có cái bắt tay tương tự. Chẳng hạn, Gojek đã hợp tác với ComfortDelGro, hãng taxi lớn nhất Singapore, từ năm 2022. Đầu năm nay, họ thông báo sẽ chia sẻ các chuyến đi không được đáp ứng trên nền tảng của mình cho tài xế của đối tác.

Sự hợp tác này dường như mang lại hiệu quả tích cực cho Gojek tại Singapore. Công ty mẹ Gojek - GoTo Group công bố thị phần của họ tại đây đã tăng 3% trong quý II vừa qua, một phần nhờ vào quan hệ đối tác này.

Đầu năm nay, tin đồn về một thương vụ giữa Grab và Gojek lại nổi lên. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ gặp nhiều trở ngại, bao gồm cả việc được các cơ quan quản lý cạnh tranh chấp thuận. 

Người đến, kẻ đi

Những lo ngại về sự suy yếu cạnh tranh trong ngành gọi xe có thể được xoa dịu phần nào bởi sự xuất hiện của các công ty như Xanh SM - hãng taxi do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập, đang tìm cách mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Xanh SM gần đây đã ra mắt dịch vụ tại Lào và sắp tới là Indonesia.

Mặc dù mới gia nhập thị trường, song Xanh SM không phải là một “tay mơ" trong lĩnh vực gọi xe. Trên thực tế, theo Mordor Intelligence, dù mới được thành lập từ tháng 4/2023 nhưng Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ hai thị trường Việt Nam vào quý IV cùng năm. Thị phần tính theo doanh thu của Xanh SM tăng gấp hai lần so Be Group - đơn vị từng nắm giữ vị trí thứ hai thị trường.

Cụ thể, báo cáo cho biết Xanh SM hiện chiếm giữ 18,17% thị phần so với 9,21% của Be. Với mức đầu tư đội xe có quy mô lên tới 20.000 ô tô và 60.000 xe máy điện, màu xanh cyan đặc trưng của Xanh SM nhanh chóng phủ khắp các con phố ở Việt Nam. 

Tài xế Xanh SM tại Hà Nội. (Ảnh: GSM cung cấp).

Một trong những lợi thế của Xanh SM là tài xế của Xanh SM là nhân viên công ty, được đào tạo kỹ càng về chất lượng dịch vụ trái ngược với một số hãng gọi xe khác khi coi tài xế chỉ như đối tác bên ngoài. Tài xế tại Xanh SM được hưởng lương và các chế độ phúc lợi khi trở thành nhân viên của hãng. Ngoài ra, khi gia nhập Xanh SM, tài xế không cần thiết phải sở hữu xe khi được công ty cung cấp phương tiện hành nghề.

Ngoài ra, giá cước trên Xanh SM cũng thường thấp hơn các nền tảng hiện có trên thị trường nhờ việc không tính phí thời tiết hay giao thông vào những giờ cao điểm.

Xanh SM tự định hình hãng là một thương hiệu "linh hoạt" có thể là taxi công nghệ khi khách hàng đặt trên ứng dụng nhưng cũng là taxi truyền thống nếu có khách bắt/vẫy dọc đường.

Theo tính toán đến hết năm 2023, Xanh SM sở hữu 16.100 phương tiện, phục vụ hơn 160.000 chuyến/ngày. Con số hơn hẳn những đơn vị taxi truyền thống như Mai Linh (11.000 xe/khoảng 30.000 chuyến); Vinasun (3.140 xe/35.374 chuyến).

Ở lĩnh vực gọi xe công nghệ, trừ Grab vượt trội hơn hẳn với 400.000 chuyến/ngày, Xanh SM không thua hề kém các nền tảng khác như Be (56.000 chuyến/ngày) hay Gojek (35.000 chuyến/ngày).

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp và Điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nêu quan điểm: "Mặc dù còn khá non trẻ, Xanh SM đang cho thấy tiềm năng hứa hẹn thông qua việc phát triển nhanh chóng. Nếu công ty tiếp tục duy trì đà phát triển hiện tại, rất có thể họ sẽ đe doạ vị thế của Grab tại thị trường Việt Nam".

Hướng tăng trưởng mới

Bên cạnh việc tối ưu hóa tuyến đường cho tài xế, các ông lớn trong ngành gọi xe còn tận dụng AI để dự đoán nhu cầu và tính toán giá cước.

Đầu năm nay, Grab đã công bố hợp tác với OpenAI để tích hợp AI vào hoạt động kinh doanh, bao gồm các giải pháp cho ứng dụng thông thường như chatbot và cải thiện khả năng lập bản đồ và điều hướng.

Grab cũng đang bắt tay với Đại học Quốc gia Singapore trong dự án Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS, hướng tới việc tạo ra các giải pháp AI giải quyết tình trạng kẹt xe kéo dài và thời gian chờ đợi trong ứng dụng.

Trong khi đó, GoTo Group đã ra mắt trợ lý giọng nói Dira by GoTo AI vào tháng 7. Theo công ty, Dira là một phần của chương trình AI nhằm tích hợp công nghệ này sâu rộng hơn vào hệ sinh thái của GoTo. Hiện tại, Dira tập trung vào các dịch vụ fintech, và GoTo vẫn chưa công bố tính năng tương tự cho mảng gọi xe.

Trong khi đó, Xanh SM lại tìm hướng đi khác nhằm tăng nhanh số tài xế, tăng thị phần bằng dự án Xanh SM Platform - cam kết chia sẻ 80% doanh thu cho chủ xe. Theo đó, hãng taxi điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cam kết duy trì mức chia sẻ doanh thu lên tới 80% trong ba năm đầu tiên, cho các đối tác tài xế tham gia nền tảng Xanh SM Platform.

Chính sách mới này hướng tới các khách hàng có nhu cầu sở hữu xe điện của VinFast. “Cam kết chia sẻ doanh thu lên tới 80% trong vòng ba năm liên tục cho các đối tác tài xế là chính sách chưa từng có tiền lệ trên thị trường gọi xe công nghệ”, Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty GSM toàn cầu nói.

Đức Huy