|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Nhật Bản vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 như thế nào?

06:48 | 02/07/2020
Chia sẻ
Báo Sankei có bài viết đánh giá yếu tố tiền lương sẽ quyết định nền kinh tế Nhật Bản có thể vượt qua đại dịch COVID-19 hay không.
Kinh tế Nhật Bản vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 như thế nào? - Ảnh 1.

Quang cảnh tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nỗi sợ hãi thực sự từ tác động của đại dịch COVID-19 chính là giảm phát khi nhu cầu tiêu dùng thấp kéo theo giá thành sản phẩm liên tục giảm xuống và số lượng người mất việc làm ngày càng tăng.

Nhật Bản đã ban hành những chính sách tài chính tiền tệ quy mô lớn để không tái hiện lại nỗi sợ hãi của những năm 1930. 

Tuy nhiên, liệu những chính sách này có giúp Nhật Bản vượt qua được đại dịch COVID-19. Hãy so sánh trường hợp của Nhật Bản với Mỹ để trả lời câu hỏi này.

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Mỹ là nước đang phải chịu áp lực về nguy cơ giảm phát lớn hơn so với Nhật Bản. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ số đại diện để đánh giá mức độ giảm phát, trong đó quan trọng hơn cả là chỉ số CPI lõi, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm chịu ảnh hưởng của thời tiết và lĩnh vực năng lượng chịu ảnh hưởng của tình hình khu vực Trung Đông.

Khi theo dõi biểu đồ thể hiện tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ tăng lương sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, điều đáng ngạc nhiên là mức độ giảm phát ở Mỹ lớn hơn Nhật Bản kể từ năm 2013. 

Áp lực giảm phát dường như đã giảm đáng kể đối với Nhật Bản kể từ khi chính sách kinh tế Abenomics được đưa ra vào tháng 12/2012.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế Nhật Bản hiện nay, nguồn thu nhập chủ yếu đến từ lương. Khi giá cả tổng hợp, bao gồm cả giá cả lương thực và năng lượng sụt giảm, tiền lương cũng giảm theo. Khi giá cả tăng, tiền lương không tăng theo kịp và dẫn đến tình trạng giảm phát tiền lương.

Tiền lương ở Mỹ đã tăng liên tục trong nhiều năm, và duy trì mức tăng trên dưới 3% kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền năm 2017. 

Ngược lại, tiền lương của Nhật Bản liên tục giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và có xu hướng tăng nhẹ trở lại sau khi chính sách kinh tế Abenomics được triển khai rồi lại giảm vào năm 2019.

Khi so sánh thời điểm tháng 4/2020 và tháng 4/2012 - trước khi chính sách Abenomics triển khai, chỉ số CPI tổng hợp của Mỹ tăng 11,4%, còn Nhật Bản là 5,1%; mức tăng lương của Mỹ và Nhật Bản cũng tăng lần lượt là 25,6% và 0,5%. 

Điều này có nghĩa là mức tăng lương thực tế nếu xét đến chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ là 14,2%, trong khi Nhật Bản đã giảm 4,6%.

Hiện nay, Chính quyền của Tổng thống Trump đang đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tăng lên. 

Tuy nhiên, rõ ràng là mức tiền lương tại Mỹ trong nhiều năm qua đã tăng lên và mức sống trung bình của người dân Mỹ đang được cải thiện.

Ngược lại với Mỹ, Chính phủ Nhật Bản dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc đẩy chính sách thoát khỏi lạm phát và cải cách việc làm, song kết quả là mức sống trung bình của người dân lại khó khăn hơn.

Điểm khác biệt của Nhật Bản so với Mỹ đó là người dân có kỷ luật, không có hành vi bạo loạn và hầu hết thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội và kiên nhẫn chờ đợi thời điểm dịch COVID-19 được kiểm soát. 

Đây cũng chính là lý do Chính phủ Nhật Bản cần phải trách nhiệm hơn với người dân và cần ngay lập tức điều chỉnh chính sách đang làm giảm nguồn thu nhập từ lương của người dân.

Chính sách không thành công nhất của Chính phủ Nhật Bản đó là tăng thuế tiêu dùng. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tổng hợp tháng 4/2020 đã tăng 5,1% so với tháng 4/2012, song theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), tốc độ tăng giá sau khi loại bỏ mức tăng thuế tiêu dùng trong cùng kỳ là 2,6%.

Một tính toán đơn giản cho thấy, việc tăng thuế tiêu dùng lên 3% vào tháng 4/2014 và 2% vào tháng 10/2019 làm giá cả tiêu dùng chung tăng thêm 2,5%. 

Nếu như xét mức tăng lương trong cùng kỳ chưa đến 1.400 yen/tháng (13 USD), tương đương 0,5%, thì áp lực chi tiêu của các hộ gia đình là khá lớn.

Việc tăng thuế tiêu dùng trong nền kinh tế giảm phát làm thay đổi trạng thái tiền lương và mô hình việc làm. Giảm phát kéo dài ở Nhật Bản bắt đầu từ việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4/1997. 

Tỷ lệ lao động bán thời gian trên tổng số việc làm thời điểm tháng 12/1997 là 16% và đã tăng lên 31% vào cuối năm 2019. 

Giảm phát cộng với nhu cầu tiêu dùng yếu khiến các công ty không thể tăng giá thành sản phẩm và buộc phải cắt giảm nguồn lao động chính thức để giảm chi phí lao động.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang áp dụng chính sách khấu trừ thuế để thúc đẩy hình thức lao động phái cử. 

Chính sách cải cách lao động của Chính phủ Nhật Bản chỉ làm cho nền phụ thuộc vào nguồn lao động không chính quy, lao động người nước ngoài và không làm gia tăng năng lực sản xuất - yếu tố không thể thiếu của tăng trưởng kinh tế, đồng thời kéo dài tình trạng mức lương thấp.

Nếu làn sóng dịch bệnh thứ hai và thứ ba bùng phát tại Nhật Bản, "căn bệnh" giảm phát tiền lương sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. 

Trong khi đó, Mỹ - đất nước duy trì tăng lương đều đặn - sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng COVID-19, cho dù số người tử vong tại Mỹ do đại dịch lớn hơn rất nhiều so với Nhật Bản.

Đức Thịnh