|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng COVID-19

11:53 | 30/04/2021
Chia sẻ
Với lực đẩy từ chi tiêu tiêu dùng và gói hỗ trợ của chính phủ, kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng sau khi cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 khiến hàng chục triệu người Mỹ mất việc làm.

Ngày 29/4, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 6,4% trong quý I/2021, mức tăng cao nhất trong quý đầu tiên của năm kể từ năm 1984. Số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước cũng ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch xảy ra. Theo một thống kê tích cực khác, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ cho biết ngày càng có nhiều người Mỹ ký hợp đồng mua nhà trong tháng Ba. Điều này cho thấy thị trường nhà đất tăng trưởng mạnh hơn khi mùa Hè đến gần.

Các nhà kinh tế nhận định việc mở rộng chương trình tiêm chủng, đà giảm các ca mắc COVID-19, hoạt động mở cửa trở lại của nhiều doanh nghiệp, gói viện trợ liên bang và tốc độ tạo việc làm sẽ giúp duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế. Dự kiến trong năm 2021, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 7%, mức cao nhất kể từ năm 1984.

Trong những tháng gần đây, người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy hoạt động chi tiêu, với chi tiêu cho hàng hóa tăng gần 24% trong quý trước còn chi tiêu cho dịch vụ tăng dưới 5%. Dự kiến, sự chênh lệch này có thể sẽ thay đổi khi nhiều nhà hàng và địa điểm giải trí mở cửa trở lại và người dân muốn chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ giải trí.

Tốc độ phục hồi của kinh tế Mỹ đã gây ấn tượng sau khi đại dịch COVID-19 khiến tất cả doanh nghiệp đóng cửa và kinh tế Mỹ thu hẹp kỷ lục 31% trong quý II/2020. Trong tháng Ba, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 916.000 việc làm - đợt tuyển dụng lớn nhất kể từ tháng Tám. Trong khi đó, chi tiêu bán lẻ tăng mạnh, sản xuất gia tăng và niềm tin của người tiêu dùng đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Gregory Daco, nhà kinh tế tại Oxford Economics, nhận định tất cả động lực của nền kinh tế đều tăng trưởng.

Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý đà phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phía trước, khi nhiều người mất việc làm do đại dịch COVID-19 và quá trình phục hồi vẫn không đồng đều. Trong khi nhiều người có thể làm việc tại nhà, tích lũy tiền tiết kiệm và mở rộng khối tài sản nhờ giá nhà tăng cao và thị trường chứng khoán lập kỷ lục, những người lao động trả lương thấp, thuộc nhóm dân tộc thiểu số và không có trình độ đại học lại mất việc làm và nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ đang đi làm, đã phải rời bỏ lực lượng lao động để chăm sóc con cái./.

Trà My (Theo AP)

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.