Kinh tế Đức đối mặt nhiều thách thức
Nhà máy sản xuất động cơ máy bay tại thủ đô Béc-lin, Đức. Ảnh GETTY |
Bộ trưởng Kinh tế Đức P.An-mai-ơ nhận định, đà tăng trưởng kinh tế Đức trong nửa cuối năm 2018 đã chậm lại. Tuy nhiên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2019 vẫn được dự báo sẽ bước vào năm tăng trưởng thứ 10 liên tiếp. Theo đó, đây là giai đoạn tăng trưởng kéo dài liên tục nhất của nền kinh tế Đức từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Nền kinh tế Đức cũng đón nhận tin vui từ thị trường việc làm với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11-2018 giảm xuống còn 5%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Theo Bộ Lao động liên bang Đức (BA), thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục phát đi những tín hiệu tích cực và nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty vẫn rất cao, bất chấp những tín hiệu u ám của nền kinh tế khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Đức cũng đối mặt không ít thách thức. Theo Cơ quan Thống kê liên bang Đức, nền kinh tế nước này tăng trưởng âm vào quý III năm 2018, lần đầu sau hơn ba năm. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Liên hiệp châu Âu (EU) trong năm 2018 cũng giảm xuống còn 1,5%, từ mức tăng mạnh 2,2% trong cả hai năm 2017 và 2018.
Giới phân tích nhận định, các cuộc chiến tranh thương mại và việc Anh chuẩn bị rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, cùng đà tăng trưởng yếu ớt của các nền kinh tế mới nổi đã hãm tốc độ tăng trưởng của Đức. Các nhà xuất khẩu của Đức cũng đang phải vật lộn với sự sụt giảm nhu cầu từ các thị trường nước ngoài, do kinh tế toàn cầu hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, những bê bối trong lĩnh vực sản xuất ô-tô, vốn được coi là "xương sống" của nền công nghiệp Đức cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm tốc của nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Mới đây, Cục Giao thông vận tải liên bang Đức (KBA) công bố số liệu cho thấy, doanh số tiêu thụ ô-tô tại nước này trong năm 2018 giảm 0,2% so với năm 2017. Sự sụt giảm trên chủ yếu do ngành công nghiệp xe hơi chịu tác động mạnh của các biện pháp đánh giá tiêu chuẩn khí thải mới mang tên Quy trình Kiểm tra đồng bộ mới dành cho xe hạng nhẹ toàn cầu (WLTP), được ban hành sau vụ bê bối gian lận khí thải của hãng Volkswagen. Trước những khó khăn trên, Chính phủ Thủ tướng A.Méc-ken đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật nhập cư mới, nới lỏng các quy định nhằm thu hút lao động lành nghề nước ngoài, kể cả người không phải công dân EU, để bổ sung cho lực lượng lao động đang già đi. Dự thảo cũng đề xuất nới lỏng các thủ tục cấp thị thực cho lao động nước ngoài. Để có hiệu lực, dự luật nói trên sẽ phải được Quốc hội phê chuẩn. Bộ trưởng Kinh tế Đức P.An-mai-ơ nhấn mạnh, dự luật này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn trước đây phải chịu sự cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong việc thu hút lao động lành nghề.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, bất chấp những sóng gió phía trước, nền kinh tế Đức sẽ duy trì được đà tăng trưởng trong 10 năm liên tiếp, cho dù mức tăng trưởng trong năm 2018 và năm 2019 có thể thấp hơn so với mức tăng 2,2% của năm 2017. Thị trường lao động vững mạnh, chính sách tiền tệ thân thiện của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cùng tiềm năng gia tăng sản lượng trở lại của các hãng ô-tô Đức sẽ là những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Đức vượt qua thách thức, tiếp tục có đà tăng trưởng mới.