|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế 2018: 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

21:32 | 24/09/2018
Chia sẻ
Nhờ tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng DN, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao sẽ được hoàn thành. 
kinh te 2018 1212 chi tieu dat va vuot ke hoach
Dự kiến năm 2018 có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Ảnh: Internet.

Thu ngân sách ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng

Đây là nhận định của ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội nghị giao ban trực tuyến về đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 24/9.

Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.

Đặc biệt, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn ổn định và an ninh quốc gia.

Tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, mô hình tăng trưởng dịch chuyển dần sang chiều sâu.

Chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016-2018 chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%; thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên.

“Các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác được điều hành linh hoạt, kịp thời, giữ vững được sự ổn định của tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước; duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế”, ông Trần Quốc Phương cho biết.

Cũng theo ông Trần Quốc Phương, nợ công năm 2018 dự kiến giảm từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017, bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (3,7%) và cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt ở mức cao mục tiêu Quốc hội giao (33-34%) và mục tiêu 5 năm (32-34%). Cơ cấu đầu tư cũng dịch chuyển theo hướng tích cực, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng cao.

Trong năm 2018, giải ngân vốn FDI duy trì ở mức khá, ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2017. Năm 2017, giải ngân vốn FDI 17,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng.

Kinh tế 2019 tiếp tục khả quan

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, kinh tế nước ta trong năm 2018 vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tồn tại và hạn chế.

Theo đó, quá trình thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 còn chưa triệt để, nhiều tồn tại, hạn chế, tiến độ thực hiện nhìn chung còn chậm, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khó khăn về nguồn lực, nguồn nhân lực. Mô hình tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ. Xuất nhập khẩu dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

Về triển vọng kinh tế 2019, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu thế tích cực vẫn là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố.

Tuy nhiên, kinh tế vẫn sẽ đối mặt với những rủi ro, mà thách thức lớn nhất đến từ bên ngoài do quy mô kinh tế hạn chế, độ mở kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động đan xen, tạo áp lực cho công tác điều hành, ứng phó với các biến động.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2019, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2019 Việt Nam, sẽ tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Trong đó, tập trung điều hành giá cả thận trọng, kết hợp hài hòa, linh hoạt các chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ. Quá trình cơ cấu lại ngân sách gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh... cùng với cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

“Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Trần Quốc Phương cho biết.

Hoài Anh