|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Kiên quyết xử lý biệt thự ở Thảo Điền chiếm bờ sông Sài Gòn'

07:55 | 12/11/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nói với Zing.vn rằng với việc dự án bất động sản bịt kín bờ sông Sài Gòn, cần có rà soát, nếu công trình nào sai quy hoạch phải xử lý kiên quyết.

Sông Sài Gòn đoạn qua phường Thảo Điền và An Phú (quận 2, TP.HCM), bị những dãy biệt thự bịt kín lối ra bờ sông. Các đơn vị thực hiện dự án khu biệt thự, chủ biệt thự đơn lẻ đã biến không gian mặt sông thành bến du thuyền, chiếm lĩnh không gian chung của cộng đồng.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chia sẻ với Zing.vn quan điểm xử lý và các biện pháp đảm bảo không gian công cộng của người dân.

500 dự án bó biển, chưa thống kê dự án bó sông

Theo người đứng đầu ngành xây dựng, trong các quy định về quy hoạch, quy chuẩn xây dựng đều quy định rất cụ thể không gian công cộng ven sông, ven biển dành cho người dân.

“Tôi nhấn mạnh các quy định đều đã thể hiện rất rõ. Bao nhiêu mét phải thực hiện một lối mở, phải có không gian công cộng chung cho người dân. Vấn đề là các địa phương phải thực hiện quy hoạch rất kiên quyết thì mới được”, ông nói.

'Kiên quyết xử lý biệt thự ở Thảo Điền chiếm bờ sông Sài Gòn' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo Bộ trưởng Hà, quy hoạch chi tiết tại các khu bờ sông, ven biển phải phù hợp quy hoạch phân khu và quy hoạch chung. Trách nhiệm phê duyệt quy hoạch chi tiết là của UBND cấp tỉnh. Đơn cử, với các công trình tại khu vực Thảo Điền, phê duyệt chi tiết khu vực này thuộc trách nhiệm của UBND TP.HCM.

Ông Hà nhấn mạnh cần kiểm soát các dự án bằng quy hoạch chi tiết, phù hợp quy hoạch chung. Trong trường hợp vi phạm phải xử lý kiên quyết. Ông dẫn ví dụ một số địa phương thực hiện kiên quyết quy hoạch ven biển như Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên…

Các khu vực phải có kết nối chứ không đóng kín dự án, cản trở lợi ích của dân.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà

“Thậm chí đập cả khách sạn đi để trả lại không gian cho người dân. Quan điểm của Bộ Xây dựng là ủng hộ cao việc xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm không gian công cộng, xây dựng sai quy hoạch. Vừa phải bảo đảm quyền lợi của dự án, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, phục vụ không gian công cộng”, ông nói.

Người đứng đầu ngành xây dựng thông tin hiện nay trên cả nước có khoảng 500 dự án khu đô thị trực tiếp bó biển. Tuy nhiên, số lượng khu đô thị bó mặt sông thì chưa có thống kê cụ thể. Ông nhấn mạnh phải kiểm soát chặt chẽ các dự án ven sông phải đảm bảo không gian công cộng cho người dân.

“Các khu vực đó phải có kết nối, chứ không phải đóng kín dự án, làm cản trở sự hưởng thụ, lợi ích, dịch vụ công cộng của người dân”, ông Hà nói.

Có địa phương sẵn sàng đập công trình để phù hợp quy hoạch

Khi được hỏi với những dự án biệt thự đã xây dựng ven sông Sài Gòn tại phường Thảo Điền và An Phú mà chắn kín bờ sông sẽ xử lý như thế nào, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng UBND TP.HCM phải có rà soát cụ thể, sau đó xử lý kiên quyết. Ông dẫn lại ví dụ có địa phương sẵn sàng đập công trình để phù hợp quy hoạch.

'Kien quyet xu ly biet thu o Thao Dien chiem bo song Sai Gon' hinh anh 2
'Kien quyet xu ly biet thu o Thao Dien chiem bo song Sai Gon' hinh anh 2
'Kien quyet xu ly biet thu o Thao Dien chiem bo song Sai Gon' hinh anh 3
'Kien quyet xu ly biet thu o Thao Dien chiem bo song Sai Gon' hinh anh 3
'Kien quyet xu ly biet thu o Thao Dien chiem bo song Sai Gon' hinh anh 4
'Kien quyet xu ly biet thu o Thao Dien chiem bo song Sai Gon' hinh anh 4
'Kien quyet xu ly biet thu o Thao Dien chiem bo song Sai Gon' hinh anh 5
'Kien quyet xu ly biet thu o Thao Dien chiem bo song Sai Gon' hinh anh 5

Nhiều khu biệt thự đang bịt kín bờ sông Sài Gòn tại khu vực Thảo Điền. Ảnh: Lê Quân.

“Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản, yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt quy hoạch xây dựng ven sông, ven biển để tránh ảnh hưởng lợi ích cộng đồng”, ông Hà nói.

Những năm gần đây, tại phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM), những dãy biệt thự chiếm hữu từng đoạn sông Sài Gòn khiến người dân không thể tiếp cận. Các con hẻm tại đây cũng không còn là của chung.

Cần khảo sát hiện trạng, quy hoạch chi tiết lại khu vực ven sông tại Thảo Điền - An Phú để không gian xanh, mặt nước khu vực ven sông được tổ chức bài bản, dễ tiếp cận và phục vụ tốt hơn cho dân.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Hai bên đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền) là những khu biệt thự, chung cư cao cấp, hàng quán mọc san sát, vươn ra phía bờ sông Sài Gòn.

Trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng, từ những căn biệt thự riêng lẻ đến khu nhà cao cấp thi nhau quây kín khu vực bờ sông như khu biệt thự cao cấp Thảo Điền 2, AVA Residence, An Phu Riverview, khu biệt thự trường quốc tế tại hẻm 177...

 Các khu vực này đều có rào chắn, ngăn người dân tiếp cận theo hướng bờ sông. Nhiều con hẻm là cách để người dân tiếp cận với khu vực bờ sông tại khu vực này. Trên thực tế, những lối đi công cộng này không phải ai cũng có thể vào.

Trao đổi với Zing.vn, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần khảo sát hiện trạng, quy hoạch chi tiết lại khu vực này để không gian xanh, mặt nước khu vực ven sông Thảo Điền - An Phú được tổ chức bài bản hơn, dễ tiếp cận hơn, và phục vụ tốt hơn cho mọi người dân trong khu vực.

Nhận định về tình hình lấn chiếm hành lang kênh, rạch tại TP.HCM, Viện Quy hoạch Xây dựng TP cho biết từ năm 2004, thành phố đã quy định sông Sài Gòn phải có hành lang từ 30-50 m, tuy nhiên, đối với các dự án được xây dựng trước đó, hành lang an toàn bờ sông đang có phần thiếu đồng đều.

Tại khu vực phường Thảo Điền (quận 2), các khu biệt thự cao cấp hiện hữu thuộc các dự án nhà ở đang lấn chiếm hành lang kênh rạch khá nhiều.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, khẳng định những nơi tự động lập chốt chắn, barie bảo vệ là sai quy định, quận 2 đã giao cho UBND phường kiểm tra, xác minh những sai phạm và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Sau khi tiếp nhận thông tin bờ sông Sài Gòn thuộc địa phận phường Thảo Điền bị lấn chiếm, ông Hưng đã giao Phòng Quản lý Đô thị và Phòng Tài Nguyên Môi trường lập Đoàn kiểm tra, xác minh hiện trạng và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hành lang sông.

Hiếu Công