Kiến nghị lấy vốn dự phòng trung hạn nạo vét tuyến luồng Cái Mép Thị Vải
Ngày 17/4, tại thành phố Bà Rịa đã diễn ra Hội nghị Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển và kết nối doanh nghiệp logistics khu vực Cái Mép Thị Vải.
Cảng Cái Mép-Thị Vải. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN
Hội nghị do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Giao thông Vận Tải, Cục Hàng hải Việt Nam đồng chủ trì.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ông Nguyễn Văn Công đánh giá cao những kết quả đạt được về tăng trưởng hàng hóa qua cảng khu vực Cái Mép Thị Vải qua từng năm.
Thứ trưởng cũng khẳng định, hạ tầng giao thông kết nối cảng rất quan trọng, chính vì vậy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần sớm quan tâm đầu tư hệ thống giao thông kết nối với khu vực cảng Cái Mép Thị Vải.
Bên cạnh đó, việc phát triển dịch vụ logistics và công nghiệp sau cảng cũng cần sớm được triển khai để nâng tầm vị thế khu vực cảng Cái Mép Thị Vải trong thời gian tới.
Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, triển khai những giải pháp của Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép Thị Vải từ năm 2013 đến nay đã tạo sự dịch chuyển hàng hóa theo chiều hướng tích cực giữa các cảng biển trong nhóm.
Hàng hóa từ khu vực cảng truyền thống là Thành phố Hồ Chí Minh dịch chuyển ra các cảng mới là Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tỷ trọng hàng hóa qua cảng biển Vũng Tàu tăng từ 30,6% ( năm 2013) lên 34,1% ( năm 2018).
Còn hàng hóa container cũng có sự dịch chuyển từ các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh sang các cảng biển khác.
Cụ thể, năm 2013 tỷ trọng hàng hóa container thông qua các cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai –Vũng Tàu tương ứng 82% - 0,2% - 17,8% thì đến năm 2018 tỷ trọng này là 63,6% - 6,3% - 30%.
Riêng trong năm 2018, nếu tính tất cả hàng hóa vận tải bằng các phương tiện thủy nội địa đến và xếp dỡ qua cảng biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu là khoảng 5,29 triệu TEU, đạt khoảng 78% công suất thiết kế của các bến cảng container.
Bên cạnh đó, ông Bùi Thiên Thu cũng cho biết, thời gian qua thông qua việc triển khai các giải pháp về giá dịch vụ và phí, lệ phí hàng hải đã góp phần rất quan trọng trong việc thu hút hàng hóa đến cảng đặc biệt khu vực Cái Mép Thị Vải, nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đã được đầu tư.
Cụ thể, trong năm 2018 đã thông qua lượng hàng hóa gấp 1,93 lần về tấn và 2,98 lần về TEU, tăng trưởng hàng hóa qua biển bình quân trong 5 năm cũng đạt mức cao, với 14,5% về tổng hàng và container là 25,4%.
Ngoài ra, việc triển khai các chính sách theo nội dung đề án đã góp phần tạo niềm tin, hấp dẫn các hãng tàu mở rộng tuyến kết nối với các bến cảng khu vực Cái Mép Thị Vải.
Nếu như, năm 2013 chỉ có 8 tuyến /tuần tàu mẹ và tàu nội địa châu Á cập cảng khu vực Cái Mép Thị Vải, thì nay khu vực cảng Cái Mép Thị Vải đã thiết lập được 28 chuyến tàu/tuần, trong đó có 22 tuyến vận tải quốc tế và 6 tuyến vận tải nội địa….
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có một số đề xuất kiến nghị tới Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn để đầu tư nạo vét tuyến luồng Cái Mép Thị Vải; cho phép xây dựng và áp dụng cơ chế cảng mở tại Cái Mép Thị Vải để thúc đẩy trung chuyển quốc tế; xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối với khu vực cảng Cái Mép Thị Vải.
Đối với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải quản lý phát triển hạ tầng cảng biển theo đúng quy hoạch, để nâng cao hiệu quả hạ tầng bến cảng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm triển khai đầu tư và khai thác trung tâm logistics Cái Mép và hạ tầng đường giao thông kết nối đồng bộ với trung tâm logistics Cái Mép….
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp đầu tư cảng, các hãng tàu đã có nhiều kiến nghị liên quan đến các vấn đề như: Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối; thủ tục cho xuất nhập khẩu hàng hóa; phát triển dịch vụ logistic và công nghiệp sau cảng; tổ chức quản lý, đầu tư khai thác và các chính sách về phí và lệ phí…
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, hiện nay các cảng khu vực Cái Mép Thị Vải còn những tồn tại hạn chế như: vẫn chưa cân đối với cung cầu, chưa phát triển kịp thời các dịch vụ hàng hóa gắn liền với cảng, kết nối cảng còn thiếu đồng bộ.