Kiểm toán nhà nước ‘soi’ dự án 7.600 tỷ đồng xây cầu Bạch Đằng, Quảng Ninh
Riêng dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng đã có mức đầu tư 7.600 tỷ đồng. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 mới đây, Kiểm toán nhà nước (KTNN) nêu một số kiến nghị liên quan đến dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT.
Cụ thể, KTNN kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành những định mức xây dựng về thi công lắp đặt trụ tháp, hệ dầm dây văng, hệ dây văng của cầu dây văng để các đơn vị có đủ căn cứ thực hiện; bổ sung thêm định mức thi công cọc xi măng đất, khoan cọc nhồi cho các loại máy thi công phù hợp hiện nay.
UBND tỉnh Quảng Ninh được đề xuất chỉ đạo Sở GTVT Quảng Ninh củng cố phương án tài chính để điều chỉnh lại hợp đồng BOT; tăng cường giám sát việc thực hiện chức năng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại hợp đồng BOT.
Sở cũng cần giám sát Công ty cổ phần BOT Cầu Bạch Đằng trong việc xác định lại chiều sâu cọc xi măng đất và có biện pháp xử lý nếu phát hiện hành vi tiêu cực; đôn đốc công ty triển khai thi công các gói thầu xây lắp chính, đảm bảo tiến độ và bàn giao công trình vào khai thác sử dụng theo kế hoạch đề ra (quý I/2018).
Liên sở Xây dựng – Tài chính tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm kiểm tra việc công bố riêng giá vật liệu cho dự án Cầu Bạch Đằng, thẩm định giá vật liệu đặc chủng có giá trị lớn không có trong công bố giá như: cáp dây văng, neo cáp dây văng, khe co giãn, gối cầu, thanh dự ứng lực neo cáp...
Dự án cầu Bạch Đằng được coi là “siêu dự án” bởi được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên tới 7.600 tỷ đồng. Trong đó, hơn 7.200 tỷ đồng là của Công ty cầu Bạch Đằng (gồm liên danh 8 nhà đầu tư), số còn lại là từ ngân sách nhà nước.
Cầu Bạch Đằng dài 3 km, có kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8. Cầu sẽ có ba trụ tháp hình chữ H (trụ tháp giữa cao 99,74 m, hai trụ tháp hai bên cao 94,5 m) với 4 nhịp dây văng.
Báo Quảng Ninh thông tin vào tháng 2/2017, cầu đã thực hiện được trên 60% tổng giá trị các hạng mục. Khi hoàn thành, cây cầu sẽ rút ngắn quãng đường thành phố Hạ Long - Hà Nội từ 180 km xuống còn 130 km; từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm từ 75 km xuống còn 25 km. Dự kiến, cầu sẽ được hợp long trong tháng 12/2017.