Không thể 'chạy' số liệu kiểm toán
Năm 2017 sẽ tập trung kiểm toán các dự án BOT
Muốn can thiệp cũng không được
Lần đầu tiên làm việc với KTNN, Thủ tướng Chính phủ mong muốn việc thực hiện kiểm toán phải nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, không gây phiền hà cho các đơn vị, doanh nghiệp. Vậy KTNN sẽ cụ thể hóa điều này ra sao, thưa ông?
Việc kiểm toán bao giờ cũng được thực hiện theo một kế hoạch khoa học, minh bạch và gần như được thảo luận một cách dân chủ. Khi lập kế hoạch kiểm toán, chúng tôi lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương, các cơ quan thanh tra của bộ ngành cũng như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra.
Chúng tôi sẽ tập hợp rồi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Sau đó lại tổ chức họp với Thanh tra Chính phủ rồi mới ban hành kế hoạch kiểm toán, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu các ý kiến. Khi ban hành, chúng tôi công bố công khai trên website của ngành và trên các phương tiên thông tin đại chúng. Như vậy việc thực hiện kiểm toán rất chủ động, không gây khó khăn cho doanh nghiệp và không bị trùng lắp.
Về thời gian, theo quy định, mỗi cuộc kiểm toán được thực hiện trong 60 ngày và được gia hạn thêm 30 ngày, tổng cộng là 90 ngày. Tuy nhiên trên thực tế các cuộc kiểm toán thường được làm ngắn hơn rất nhiều, chỉ trong khoảng 30 ngày. Chúng tôi tập trung nâng cao phương pháp, chất lượng để đạt kết quả kiểm toán tốt nhất chứ không để thời gian kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
KTNN được ví như “thượng phương bảo kiếm”, bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống trong quản lý tài chính công và tài sản công. Theo ông, điều gì quan trọng nhất để kiểm toán thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này?
Trước hết, KTNN phải thực hiện theo phương châm là một cơ quan kiểm tra tài chính công và tài sản công có uy tín, chuyên nghiệp, liêm chính và hiện đại. Trước hết, mỗi kiểm toán viên phải liêm chính, chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết về pháp luật, về thực tiễn để khi đánh giá một vấn đề phải chính xác, toàn diện và đưa ra kết luận đúng đắn, tâm phục khẩu phục.
Để đạt được điều này, chúng tôi phải tập trung đổi mới phương pháp cũng như nâng cao trình độ cho kiểm toán viên, đặc biệt là vấn đề đạo đức và bản lĩnh. Hai điều này gần như quyết định đến chất lượng cuộc kiểm toán. Kiểm toán viên không thể bị dao động, phải rất độc lập và khách quan.
Chúng tôi rất chú trọng đến khâu tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, rèn luyện trong thực tiễn, và quyết định lấy tổ kiểm toán làm hạt nhân, lấy kiểm toán viên làm trung tâm, lấy phương pháp cũng như ứng dụng KHCN&TT làm phương tiện để thực hiện công tác kiểm toán tốt nhất.
Từ khi đảm nhiệm cương vị tổng kiểm toán đến nay, đã bao giờ ông bị can thiệp, hay “chạy” con số để làm thay đổi kết quả kiểm toán?
“Những khó khăn hiện nay chủ yếu là cơ chế chính sách. Chúng tôi muốn kiểm toán, muốn xâm nhập vào hệ thống dữ liệu điện tử, hệ thống phần mềm thì có những đơn vị hợp tác, nhưng nhiều đơn vị lại không hợp tác. Bởi quy định của luật chưa cụ thể, cho nên đó là lý do để các đơn vị gây khó khăn trong quá trình tiếp cận”. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc |
Như tôi vừa nói, KTNN tiến hành công việc công khai, minh bạch và khoa học. Kết luận kiểm toán phải có bằng chứng, trên cơ sở luật pháp. Khi có sự phản ảnh của các đơn vị, chúng tôi đều lắng nghe và thảo luận công khai, đi đến cùng của lý lẽ và sau đó mới kết luận. Cho nên các kết luận của KTNN bao giờ cũng thể hiện được tính chính xác rất cao và có bằng chứng rất thuyết phục.
Trong thời gian tôi đảm nhiệm cương vị tổng kiểm toán, chúng tôi đã thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công với hơn 200 cuộc kiểm toán, gần như không có sự can thiệp nào, cũng không hề có chuyện nói đúng thành sai, hay bớt con số… Mỗi quy trình của chúng tôi đều được thực hiện rất chặt chẽ, cho nên nếu như có can thiệp xuống cũng không được.
Trong ngày, kiểm toán viên phải báo cáo về cho tổng kiểm toán thông qua hệ thống nhật ký online, khi đó các vụ chức năng sẽ kiểm soát, nắm bắt tình hình. Chính vì thế có muốn giấu cũng không được. Rồi khi một vấn đề đã đưa ra công khai, muốn bỏ đi, anh phải có bằng chứng, có đầy đủ cơ sở pháp lý, nếu không sẽ vi phạm pháp luật. Điều này được chúng tôi quản lý rất chặt chẽ. Vụ trưởng quản lý đoàn, đoàn quản lý tổ, tổ trưởng quản lý tổ viên, có sự kiểm tra đột xuất, nên việc giấu sai phạm được hạn chế một cách tối đa.
Chống tham nhũng ngay trong hoạt động kiểm toán
2016 là một năm thành công của ngành kiểm toán khi đạt được những con số cao nhất từ trước đến nay. Điều gì làm nên những con số ấn tượng này, thưa ông?
Năm 2016, KTNN đã xử lý tài chính gần 36 nghìn tỷ đồng, tăng thu trên 13 nghìn tỷ đồng. Một số lĩnh vực mới chúng tôi tập trung kiểm toán như vấn đề BOT, giá trị doanh nghiệp, quản lý tài chính công, thu chi ngân sách… Những kết đạt được trong năm qua thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành.
Cốt lõi của vấn đề là ở các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán. Chúng tôi đã ban hành chỉ thị nâng cao chất lượng kiểm toán, chỉ thị về phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán và ban hành quy định về việc chấm điểm, bình bầu xếp loại các đoàn kiểm toán, các tổ kiểm toán sau khi hoàn thành. Đồng thời tiến hành thống kê lại kết quả kiểm toán trong 2 năm, tổ chức họp chuyên môn để thảo luận, kiểm điểm nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như tìm ra giải pháp để rút ra những bài học kinh nghiệm. Chính điều này giúp kiểm toán viên nâng cao phương pháp, cách tiếp cận cũng như trách nhiệm, từ đó đã nâng kết quả kiểm toán lên con số ấn tượng, gấp 1,5 lần so với năm ngoai.
Cùng với việc xử lý tài chính, KTNN đã làm gì để khắc phục những khe hở trong quy định, trong chính sách?
Đây là vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm, góp phần bịt các chỗ hở, chỗ hổng từ cơ chế chính sách. Một văn bản pháp luật ban hành mà sơ hở thì rất nguy hiểm, làm lãng phí tài sản, tài chính công rất lớn. Việc bịt các lỗ hổng này còn góp phần chống lãng phí, chống tham nhũng.
Chính vì thế đòi hỏi cán bộ kiểm toán viên phải nắm thật vững chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt phải nắm vững luật pháp, hiểu thực tiễn, để từ đó đưa ra được những kiến nghị chính sách. Điều này hết sức quan trọng và chúng tôi coi đây là một trọng tâm cần phải hướng đến.
Để hoàn thành trọng trách, theo ông ngành kiểm toán nhà nước đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào khi mà vi phạm đang ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn nhiều?
Những khó khăn hiện nay chủ yếu là cơ chế chính sách. Chúng tôi muốn kiểm toán, muốn xâm nhập vào hệ thống dữ liệu điện tử, hệ thống phần mềm thì có những đơn vị hợp tác, nhưng nhiều đơn vị lại không hợp tác. Bởi quy định của luật chưa cụ thể, cho nên đó là lý do để các đơn vị gây khó khăn trong quá trình tiếp cận.
Chúng tôi đang đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một hướng dẫn về luật kiểm toán, trong đó các cơ quan, đơn vị phải cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan, kể cả hồ sơ tài liệu về dữ liệu điện tử, cũng như các phần mềm để kiểm toán viên thực hiện kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ nữa là về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán cũng chưa được ban hành. Chúng tôi đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán để những cơ quan nào chây ì, chống đối, hoặc cố tình không thực hiện kết luận kiểm toán, gây khó khăn trong quá trình kiểm toán sẽ bị xử phạt. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm toán.
Cảm ơn ông.
Năm 2017, KTNN sẽ thực hiện 234 cuộc kiểm toán, gồm: Kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2016 tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước năm 2015 tại 14 bộ, ngành trung ương và 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 8 chủ đề kiểm toán hoạt động; 27 chuyên đề kiểm toán chuyên sâu; 59 cuộc kiểm toán lĩnh vực đầu tư với 83 dự án, công trình; 34 tập đoàn, TCT nhà nước, tổ chức tài chính ngân hàng và ngân hàng nhà nước. |